Hà Nội:

100% thiếu nhi được tuyên truyền, phổ biến về văn hóa giao tiếp ứng xử

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3820/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025.

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh trường THCS Vân Canh (huyện Hoài Đức)
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh trường THCS Vân Canh (huyện Hoài Đức)

Đề án nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thiếu nhi Thủ đô về lòng hiếu thảo, lễ phép với ông bà, bố mẹ, kính trọng, lễ phép đối với thầy cô giáo; chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, qua đó kế thừa, bồi đắp những giá trị tốt đẹp trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người Hà Nội. Đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục văn hóa ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, tạo sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nắm bắt, định hướng thiếu nhi về kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực có thể xảy ra đối với thiếu nhi.

Theo đó, 100% thiếu nhi được tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội. 90% thiếu nhi được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội. 80% thiếu nhi được trao tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long - Hà Nội”; 100% các liên đội có mô hình nắm bắt, hỗ trợ tư vấn tâm lý thiếu nhi và phối hợp với nhóm cộng đồng dân cư tại 579 xã, phường, thị trấn trên mạng xã hội nắm bắt, hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý cho thiếu nhi.

Đề án tập trung xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi trong gia đình, trường học và cộng đồng. Trong đó có triển khai mô hình nắm bắt ý kiến thiếu nhi, hỗ trợ tâm lý cho thiếu nhi như: mô hình hòm thư góp ý, ban tư vấn, hỗ trợ học sinh… nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những mâu thuẫn, xung đột mà thiếu nhi đang gặp phải, kịp thời hỗ trợ giải quyết.

Cùng với đó, thành lập, phát triển mạng lưới hỗ trợ trẻ em “Làm bạn cùng em” của Đoàn Thanh niên các quận, huyện, thị xã nhằm nắm bắt, hỗ trợ tâm lý, ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ việc vi phạm văn hóa giao tiếp ứng xử dẫn tới bạo lực trong thiếu nhi. Cùng với đó, tổ chức hoạt động định hướng cho thiếu nhi sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh và thể hiện văn hóa giao tiếp ứng xử trên không gian mạng.

Ngoài ra, Đề án cũng đề ra giải pháp tập trung tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi. Chính quyền địa phương huy động và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa tại địa phương để tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi.

UBND TP Hà Nội giao Thành đoàn, Hội đồng Đội TP là đơn vị thường trực xây dựng, triển khai Kế hoạch. Chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Đội; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch “Xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022-2025”.