Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

100% xe trọng tải lớn chở vật liệu đều… quá tải

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin do Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết tại Hội nghị sơ kết tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội diễn ra chiều 18/7.

Hơn 300 ngàn xe tải vi phạm Luật Giao thông

Về công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn Thủ đô trong 6 tháng qua, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, lưu lượng phương tiện gia tăng, hàng loạt các công trình đang xây dựng và nhiều các điểm rào chắn trên các tuyến phố chính ra vào Hà Nội. Tính riêng phương tiện xe tải chở hàng hoá trên địa bàn TP, lực lượng CSGT đăng ký và quản lý 158.655 xe tải, chưa tính các xe tải ngoại tỉnh di chuyển tuyến vành đai tại Thủ đô. Trong đó, xe rơmooc, xe trọng tải trên 10 tấn là 10.756 chiếc, các xe này thường xuyên vận tải tối thiểu là 20 tấn. Trên địa bàn TP có khoảng 113 dự án, trong đó có 12 dự án trọng điểm, khoảng 66 công trình lớn, 50 bãi tập kết vật liệu xây dựng, 40 trạm trộn bê tông để phục vụ các công trình xây dựng… nên các phương tiện vận tải hoạt động thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn Thủ đô.

 Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) tham luận tại hội nghị.
Trước tình hình trên, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 199 tập trung xử lý các phương tiện vận tải vi phạm Luật Giao thông. Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát cơ động xử lý các xe tải vi phạm. Trong các tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã xử lý khoảng 307.800 trường hợp xe tải vi phạm. Tính riêng hơn 1 tháng thực hiện theo Kế hoạch 199, đơn vị đã xử lý 4.989 trường hợp xe tải vi phạm. Nếu kiểm tra trọng tải mang thì 100% các phương tiện chở vật liệu có tải trọng lớn trên địa bàn đều quá tải. 

Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, việc quá tải trọng của phương tiện có thể phát hiện ngay tại nơi bốc xếp hàng hoá, bến bãi, kho, cảng… Chính vì vậy, các địa phương, kể cả lực lượng thanh tra giao thông vận tải đều phải có trách nhiệm xử lý. Tiếp đến, việc xử lý của đơn vị chức năng, chính quyền địa phương từ công tác bảo vệ môi trường, giấy phép hoạt động các trạm trộn bê tông, biển báo vẫn chưa được sát sao gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường. 

Ảnh mang tính chất minh hoạ.
Ngoài ra, Sở GTVT cấp phép cho một số đơn vị sử dụng xe tải chở vật liệu chạy 24/24h để phục vụ công trình trọng điểm. Tuy nhiên, có số lượng không nhỏ các phương tiện này vi phạm về giờ cao điểm, tải trọng, môi trường. Vì vậy, Sở GTVT cần nhắc nhở, đình chỉ cấp giấy phép nếu các phương tiện tiếp tục tái phạm. 

Giải quyết cơ bản tình trạng phương tiện vận tải quá tải hoạt động trong TP, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đề xuất trang cấp phục vụ hệ thống cân trọng tải trên 20 tấn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ tại 6 vị trí trên địa bàn TP, như: Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sóc Sơn…

30 xe ba bánh trong diện được lưu thông

Về vấn đề xử lý xe ba bánh giả dạng người khuyết tật tham gia vận chuyển hàng hoá gây ùn tắc giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi tập trung rà soát, kiểm tra, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt ghi nhận, chỉ có 30 trường hợp được Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cấp đủ tiêu chuẩn là thương binh được đăng ký, sử dụng trên địa bàn Thủ đô. 

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 500 xe ba bánh lưu thông. Tính riêng thực hiện Kế hoạch 199, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý gần 400 trường hợp. Ngoài ra, lượng xe ba bánh các tỉnh khác hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội cũng là con số không nhỏ và có đăng ký hợp lệ.

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng xe ba bánh giả danh người khuyết tật vận chuyển hàng hoá, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đề nghị công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương có phương án rà soát, điều tra cơ bản xử lý tận gốc từ khâu sản xuất xe ba bánh.