Chúc mừng năm mới

11 triệu lao động đã được hỗ trợ 4.300 tỷ đồng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đến ngày 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin.

Ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã giải trình trước Quốc hội về gói hỗ trợ 26.000 tỷ và 62.000 tỷ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, hiện 168.800 tỷ đồng đã được hỗ trợ, riêng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, là gói hỗ trợ triển khai trong thời điểm chưa có tiền lệ, triển khai trong thời gian gấp tuy chưa được như mong muốn nhưng cũng đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng, trong đó riêng về ngân sách tỉnh tiền mặt hỗ trợ trực tiếp là 13.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1 đều được hỗ trợ tiền ăn

Trong đợt dịch lần thứ tư, Chính phủ đã tiếp tục triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Qua 15 ngày triển khai, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và gấp rút triển khai gói hỗ trợ.

Đến ngày 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1 đều được hỗ trợ tiền ăn. Có 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương được hưởng chính sách. Có 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ.

“Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn qua 1 tuần triển khai đã có 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng; Hỗ trợ cho 13.577 lao động. Như vậy đã hỗ trợ gấp 10 lần gói hỗ trợ 62.000 tỷ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), đây là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất, Chính phủ đã đề cao tính linh hoạt, sáng tạo và phân quyền mạnh cho các địa phương xem xét, quyết định vấn đề này.

Đến nay, chính sách này được triển khai nhanh có hiệu quả, nhất là các địa phương phải giãn cách xã hội. Tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được các địa phương xem xét đã và đang triển khai hỗ trợ. TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã ban hành và thường xuyên cập nhật, bổ sung đối tượng lao động tự do để được hưởng chính sách.

Tại TP Hồ Chí Minh trong điều kiện giãn cách đã khắc phục khó khăn, ngày và đêm với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, trong 15 ngày đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 285.000 lao động tự do, đạt kết quả 100% đối tượng được thụ hưởng, với 426 tỷ đồng.

Cùng đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ cập nhật từng ngày, từng trường hợp, từng kết quả được hỗ trợ toàn quốc trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia do Văn phòng Chính phủ đảm nhận và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như giám sát của cơ quan theo phân công của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua các chính sách xã hội, an sinh xã hội của chúng ta đã triển khai tương đối đồng bộ và có hiệu quả. Nhìn chung đời sống nhân dân an sinh xã hội được đảm bảo.