Tập trung giải quyết những tồn tại trước mắt
Ngày 21/8, tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt.
Đơn cử như: đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế … Song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở….
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ:
Thứ nhất, ngành tiếp tục tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19. Bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ hai, khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành Y tế yên tâm công tác.
Thứ ba, tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và bảo hiểm y tế. Kiến nghị tăng tỷ trọng chi của ngân sách Nhà nước và bảo hiểm xã hội trong tổng chi cho y tế; đổi mới phương thức chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ; giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đơn vị phối hợp với BHXH Việt Nam giải quyết tồn tại về tổng mức thanh toán; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp.
Thứ năm, kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; các đơn vị cấp khu vực, vùng. Xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y tế trong thời gian tới; đặc biệt về y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Thứ sáu, nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định. Cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt quản lý nhà nước về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ bảy, đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế. Thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, trong đó có hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản.
Thứ tám, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ chín, đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Cải cách hành chính; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế; hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hóa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Thứ mười, phát triển nhân lực và khoa học, công nghệ y tế. Đổi mới việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề, hình thành các trung tâm thi cấp chứng chỉ theo chuẩn mực quốc tế; đào tạo bác sỹ cho các nước; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cho các tỉnh miền núi, dân tộc, tỉnh khó khăn. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong y học; hình thành các trung tâm nghiên cứu y học mạnh gắn với các trường, các viện nghiên cứu và các bệnh viện. Thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm trong nước. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế tiến tới y tế số, y tế thông minh phục vụ người dân.
Mười một, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Mười hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ ngành.
Đề xuất chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2
Đề cập đến chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập.
Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Do đó, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, trong đó, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả hạng chức danh.
Bộ Y tế cũng kiến nghị, đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.