50 năm đã qua, trong ký ức của những người đã đi qua 12 ngày đêm lịch sử trong tháng 12/1972 như chúng tôi, khí thế hào hùng, tinh thần quả cảm của quân và dân Hà Nội không bao giờ phai mờ.
Lúc bấy giờ, miền Bắc chúng ta thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu” với khẩu hiệu: Tay búa, tay súng; tay cày, tay súng; tay bút, tay súng. Ngành đường sắt là chủ lực trong mặt trận giao thông vận tải, trong đó chuyên chở một khối lượng lớn là xe tăng, đại bác, tên lửa phục vụ chiến đấu.
Khối cơ quan Tổng cục đường sắt chúng tôi đại bộ phận sơ tán ở Phúc Yên. Số còn lại chuyển cơ quan về số nhà 39 Lý Thường Kiệt, gồm các đồng chí lãnh đạo của ngành và một số cán bộ tham mưu có nhiệm vụ trực tiếp đi chỉ đạo hiện trường ở những trọng điểm địch hay đánh phá để cùng tham gia cùng khôi phục giao thông và tổ chức vận tải.
Chúng tôi trong diện chính sách nếu bị thương được tính là thương binh, nếu hy sinh là liệt sỹ. Chúng tôi cũng thường động viên nhau, nếu bị đánh bom thì chưa chắc đã trúng, mà trúng thì chưa chắc đã chết!
Tôi thường xuyên xuống đoạn đầu máy Hà Nội để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc sơ tán đầu máy. Có nhiều hôm nhận được tin máy bay Mỹ sẽ đánh phá vào khu vực Ga Hà Nội, tôi cùng với các đồng chí khác khẩn trương sơ tán đầu máy theo kế hoạch. Nhiều lúc đã xong nhiệm vụ, chúng tôi vẫn quyết định ở lại để kịp xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra, dù biết rất nguy hiểm. Khi ấy, chúng tôi luôn nhìn lên trời với tâm trạng căng thẳng và hồi hộp. Thời khắc trôi đi, bầu trời Hà Nội yên tĩnh thì chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng.
Có nhiều buổi có còi báo động của thành phố, 3 đến 4 người tự vệ chúng tôi có nhiệm vụ khẩn trương vác mấy khẩu súng trường lên nóc nhà 39 Lý Thường Kiệt để trực chiến, nếu máy bay địch đến gần là nổ súng.
Chúng tôi được mắt thấy tay nghe nhiều lần máy bay của ta rượt đuổi máy bay tiêm kích tầm thấp của Mỹ. Đặc biệt là nhìn thấy rõ những quả tên lửa cùng các loại pháp cao xạ của ta đang săn đuổi máy bay địch. Tiếng nổ rung chuyển cả bầu trời. Một quả tên lửa của ta đã bắn trúng máy bay địch tạo thành một khối lửa khổng lồ theo cùng đám khói đen kịt, kết liễu số phận giặc trời. Ba chiến sĩ tự vệ chúng tôi cùng nhau vỗ tay hoan hô vui mừng.
Thời gian đó, ngày nào cũng vậy, chỉ khi máy bay địch đã bay xa, có tiếng đài thông báo: “Đồng bào chú ý, máy bay địch đã bay xa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường", chúng tôi mới rời khỏi trận địa, trở về phòng làm việc và tiếp tục công việc bình thường.
Sáng ngày 27/12/1972 là một ngày không thể nào quên. Sáng đó tôi từ cơ quan đến số nhà 151 Khâm Thiên để thăm người nhà. Nhưng khi đến đầu phố, tôi đã thấy rất nhiều nhà đổ nát, gạch ngói ngổn ngang, những tiếng khóc đau thương. Tôi càng căm phẫn giặc Mỹ khi thấy nhiều quan tài đang đặt sẵn ở vỉa hè chờ xếp lên xe. Tôi cố len lỏi qua nhiều đống gạch đổ nát để tìm kiếm người nhà nhưng không thấy ai, chỉ kịp thu thập mấy khung huân chương của anh trai là cấp chỉ huy sư đoàn 320 đã hy sinh tại chiến trường B 1968 rồi khẩn trương ra khỏi khu vực đó.
Cứ đến mỗi năm kỷ niệm Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử, những hình ảnh nhà cửa đổ nát và đồng bào vô tội chết bởi trận bom B52 do giặc Mỹ trút xuống đều ám ảnh trong tâm trí tôi. Đó là những ký ức thời chiến không thể nào quên!