Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

125 năm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Hồng Trọng Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nằm bên quốc lộ 32, cách trung tâm TP 15km. Nơi ấy, ông tổ của nghề ảnh Lai Xá – cụ Nguyễn Đình Khánh - được sinh ra vào năm 1874, rồi “bén duyên” và trưởng thành cùng nghề.

Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) sau 2 năm học nghề ảnh tại hiệu Du Chương (chủ người Hoa) ở phố Hàng Bồ, năm 1892 đã mở hiệu ảnh riêng mang tên Khánh Ký ở phố Hàng Da. Như nhiều người biết, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đưa nghề ảnh vào nước ta (năm 1869), mở hiệu ảnh ở phố Thanh Hà, mang tên Cảm Hiếu Đường. Và cụ Nguyễn Đình Khánh là người Việt Nam thứ hai tiếp nối và mở mang nghề ảnh. Chỉ khác với cụ Đặng Huy Trứ, cụ Nguyễn Đình Khánh ngoài việc kinh doanh chụp ảnh còn đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất thân từ làng Lai Xá trở thành những người giỏi nghề ảnh. Cụ còn là một nhà yêu nước, tích cực tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng bị lộ, phải lánh sang Pháp mở hiệu ảnh ở Toulouse (1910 - 1911). Sau đó, cụ còn mở một hiệu ảnh nữa trên đại lộ Malesherbe ở Paris (1911 - 1912).

Nguyễn Đình Khánh tức Khánh Ký (1874 - 1946).

Năm 1913, Raymond Poincare đắc cử Tổng thống Pháp, được nhiều nhà nhiếp ảnh có tiếng ở Pháp chụp, trong đó có Khánh Ký. Bức ảnh do Khánh Ký chụp đẹp nhất được tờ Báo ảnh Illustration chọn in trên trang bìa. Nhờ đó cụ nổi tiếng, hiệu ảnh của cụ ngày càng đông khách, làm ăn phát đạt. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Đình Khánh có ý định trở về quê hương sinh sống. Nhưng tiếc thay, chỉ ít lâu sau đó, ngày 31/5/1946 (tức ngày 20 tháng 4 năm Bính Tuất), cụ Nguyễn Đình Khánh đột ngột qua đời tại Paris ở tuổi 72.
Ông Đặng Tích người làng, hiện lưu giữ rất nhiều tư liệu và hình ảnh của cụ Nguyễn Đình Khánh và các chủ hiệu ảnh người làng Lai Xá kể rằng: “Từ sau năm 1892 trở đi, người dân Lai Xá nối tiếp nhau mở các hiệu ảnh hầu khắp các tỉnh, thành trên dọc dài đất nước, từ Lào Cai đến Bến Tre. Khoảng giữa thế kỷ XX là thời kỳ các hiệu ảnh Lai Xá phát triển mạnh mẽ nhất, cả nước có tới 150 hiệu và khoảng 2.000 người làng làm ảnh. Tập trung đông nhất ở Hà Nội, có 34 hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam 35 hiệu ảnh, Hải Phòng 16... đặc biệt những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký... hay Phúc Lai, Mỹ Lai, Đan Lai...”.

Trưng bày ảnh tại Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Đặc trưng ảnh chân dung của Khánh Ký thường được chụp toàn thân, hai tay đặt lên đầu gối, rõ cả mười đầu ngón tay, ngón chân. Kiểu chụp này còn phổ biến đến cuối thế kỷ XX. Với nét riêng của nghề ảnh, người làng Lai Xá phải đi tứ tán tới các tỉnh, thành xa xôi để hành nghề. Cho nên mãi tới ngày 26/1/2000, những cựu thợ ảnh Lai Xá mới tập hợp, họp bàn và bầu ra một Ban Làng nghề, cụ Nguyễn Doãn Ứng (nguyên chủ hiệu ảnh Kim Lai) được cử làm Chủ tịch. Suốt từ đó đến nay, bằng tình yêu quê hương và ý thức trách nhiệm, Ban làng nghề cùng người Lai Xá đã đồng tâm hiệp lực giữ lửa nghề và đã đạt được những thành quả đáng nhớ, đáng tự hào.
Năm 2003, CLB Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh được thành lập do ông Nguyễn Văn Thắng (trưởng thôn khi đó) được bầu làm chủ nhiệm, cùng sự giúp đỡ của các nghệ sĩ người làng là Văn Phúc, Phạm Thành và Nguyễn Anh Tuấn. CLB có 28 thành viên, sau nhiều năm hoạt động đến nay đã có nhiều thành viên là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Cùng năm đó, ngày 9/7/2003, UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), đã quyết định công nhận danh hiệu làng nghề cho làng nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá. Rồi năm 2008, CLB tổ chức triển lãm ảnh “Từ làng tới phố” gồm 130 ảnh trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học. Đây là một dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh làng nghề cũng như cung cấp thêm thông tin cho những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Lễ rước Bằng chứng nhận làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá.  Ảnh : Văn Phúc

Đặc biệt, mấy năm nay, người dân Lai Xá đang tích cực xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá – một bảo tàng do chính cộng đồng cư dân Lai Xá khởi xướng, xây dựng bằng tâm huyết, trí tuệ, công sức và kinh phí theo phương thức xã hội hóa. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Lai Xá, là sự gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, thể hiện tâm huyết và ý thức trách nhiệm của người Lai Xá trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của quê hương. Bảo tàng này còn được bà Dollfus - kiến trúc sư người Pháp, người có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế bảo tàng nhiệt tình giúp đỡ tư vấn.
Bảo tàng gồm 2 tầng với diện tích trưng bày gần 300m2 nằm ngay giữa làng, gần đình Đụn. Tầng 1 phục dựng mô hình phòng chụp cổ với máy ảnh hộp vuông bằng gỗ cỡ lớn 13x18, nhãn hiệu Union, sản xuất tại Pháp, đặt trên giá 3 chân bằng gỗ có khăn trùm đen để ngắm “trực tiếp”. Phía trước là đèn chiếu sợi đốt công suất lớn và phông màn vẽ hàng hiên, vuờn hoa... Ông Nguyên Văn Thắng - Giám đốc bảo tàng cho biết: “Sau này nếu có yêu cầu của các đoàn khách tham quan, chúng tôi sẽ bố trí nghệ nhân của làng chụp và làm ảnh theo cách truyền thống để khách tham quan có thể khám phá, trải nghiệm thực tế”. Ngoài ra, gian ngoài làm phòng trưng bày ảnh nghệ thuật của CLB Nguyễn Đình Khánh (sẽ luân chuyển theo thời gian). Tầng 2 dành trưng bày những máy ảnh cổ, ống kính, máy phóng, máy sấy, khay thuốc, màu tô, bút chấm và các dụng cụ đồ nghề khác, cùng với các tài liệu về làng nghề. Trên vách tường là những pano, mỗi chiếc đều in hình từng cửa hiệu và câu chuyện về lịch sử của nó… Xem Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá sẽ hứng thú cho những ai yêu thích, tìm hiểu nhiếp ảnh thời xa xưa khi mà còn chụp ảnh bằng film kính, film miếng.
Hàng năm cứ đến ngày 20 tháng 4 Âm lịch, ngày giổ tổ làng nghề Lai Xá, người làng dù ở đâu xa cũng nhớ về làng. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng hội tụ rất đông. Riêng năm nay, ngày 15/5/2017 (20 tháng 4 Âm lịch), kỷ niệm 125 năm làng nghề, ngày giỗ tổ, dân làng còn mở hội khánh thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Chắc hẳn sẽ rất đông vui!