"Trùm" gỗ lậu Minh “Sâm” hối hận, nhận sai vì thiếu hiểu biết pháp luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TAND tỉnh Bắc Ninh đang xét xử trùm gỗ lậu Minh "Sâm" và đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Sáng nay (1/6), TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử trùm gỗ lậu Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”, SN 1960) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đại An (Công ty Đại An) có trụ sở tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và 9 đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Tại phiên tòa này, Thẩm phán Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên Nguyễn Huy Quang (VKSND tỉnh Bắc Ninh), giữ quyền công tố. Một số bị hại vắng mặt tại phiên xét xử.

Trong chuyên án Minh "Sâm" và đồng bọn, một bị can khác là Nguyễn Thành Hưng đa (tức Hưng “sóc”), Giám đốc Cty TNHH Thành Hưng – nguyên trưởng thôn Phù Khê Thượng, (xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), được coi là trợ giúp đắc lực của Minh "sâm" và đồng bọn trong vụ án “cưỡng đoạt tài sản”, do bị bệnh đã tử vong tại nhà vào đêm mồng 5/11/2015.

Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài. Ngay từ sáng sớm an ninh tại phiên tòa đã được thắt chặt và có rất nhiều người đã đến tham dự phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đọc cáo trạng truy tố đối với 10 bị cáo.
Theo cáo trạng truy tố, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 13/8/2014, tại chợ gỗ Phù Khê Đông (thuộc xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn), cơ quan công an đã bắt quả tang Nguyễn Hữu Hoàng - nhân viên của Ban Quản lý chợ Đồng Bèo thuộc Công ty Đại An có hành vi cưỡng đoạt 1,2 triệu đồng của anh Đ.B.L (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từ đó, lực lượng công an đã bóc gỡ được đường dây tội phạm do Minh “Sâm” cầm đầu và núp dưới vỏ bọc Công ty Đại An.
Toàn cảnh phiên tòa sáng 1/6.
Toàn cảnh phiên tòa sáng 1/6.
Trước đó, năm 2000, Minh “Sâm” thành lập Công ty Đại An và hoạt động kinh doanh các ngành nghề như: sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản; xây dựng hạ tầng; buôn bán bất động sản… Đến năm 2010, Công ty Đại An được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đầu tư Dự án kinh doanh 2 chợ gỗ Phù Khê Đông (chợ Đồng Bèo) và Phù Khê Thượng thuộc xã Phù Khê (thị xã Từ Sơn). Từ khi 2 chợ này đi vào hoạt động (tức khoảng tháng 5/2012 đến nay), Minh “Sâm” chưa đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập Ban quản lý chợ cũng như các nội quy liên quan đến hoạt động của chợ mà tự lập Ban Quản lý chợ Đồng Bèo và tuyển 6 nhân viên (trong đó có con gái và con rể). Đồng thời, giao Hưng Sóc quản lý chợ Phù Khê Thượng và chợ Tiến Bào.
"Trùm" gỗ lậu Minh “Sâm” hối hận, nhận sai vì thiếu hiểu biết pháp luật - Ảnh 1
Để có chi phí hoạt động cho Ban Quản lý chợ Đồng Bèo, Minh “Sâm” ban hành quy chế về phí, lệ phí lưu bãi khu vực chợ gỗ Phù Khê với một số quy định như: các loại xe trọng tải lớn phải nộp phí từ 1-3 triệu đồng/lần lưu bãi; ô tô không chở hàng mà đi vào chợ cũng phải nộp 50.000 đồng… Ngoài ra, Minh “Sâm” còn chỉ đạo nhân viên Ban Quản lý chợ Đồng Bèo buộc các ô tô chở gỗ trước khi vào chợ hoặc nhà riêng, kho bãi của các hộ kinh doanh thì phải vào Ban quản lý chợ để hạ gỗ xuống rồi mới tiếp tục cho vận chuyển về điểm tập kết để thu phí bốc xếp, bến bãi. Nếu các xe không chịu trả phí thì đàn em của Minh “Sâm” không cho vào chợ hoặc báo lại cho Minh “Sâm” xử lý.

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác định, tổng cộng có 12 bị hại từng bị Minh “Sâm” và đàn em cưỡng đoạt tài sản, bắt nộp các loại phí với tổng số tiền là 184 triệu đồng. Ngoài ra, CQĐT cũng đã khởi tố 2 vụ án đưa, nhận hối lộ và cố ý gây thương tích đối với một số đối tượng liên quan tới Minh “Sâm” nhưng đã tách thành các vụ án khác.
Trong số 10 bị cáo bị đưa ra xét xử, Minh “Sâm” cùng con gái là Nguyễn Thu Hằng (24 tuổi), con rể Trần Thái Sơn và 5 bị can khác là nhân viên Công ty Đại An bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Minh "sâm" áo xanh ngoài cùng bên phải cùng với các đồng phạm trước vành móng ngưa.
Minh "Sâm" áo xanh ngoài cùng bên phải cùng với các đồng phạm trước vành móng ngựa.
Còn đối tượng Quách Văn Lộc (41 tuổi, ở thị xã Từ Sơn) bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Riêng đối tượng Hưng Sóc được xác định đã chết nên Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã đình chỉ điều tra đối với bị can này về các tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Sau khi vị đại diện Viện kiểm sát công bố xong bản Cáo trạng truy tố. HĐXX bước vào phần xét hỏi.

Trong phần này, bị cáo Minh "Sâm" được xét hỏi đầu tiên.

Trả lời HĐXX về quá trình làm con đường dẫn vào khu tưởng niệm của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, bị cáo Minh "Sâm" cho rằng, toàn bộ số tiền bỏ ra để làm con đường này hết gần 500 tỷ đồng bao gồm: giai đoạn giải phóng mặt bằng và làm đường. Toàn bộ số tiền trên đều là của Công ty Đại An.

Cũng theo bị cáo Minh "Sâm", trước khi làm con đường trên, Công ty Đại An đã đề nghị với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc bỏ vốn và sau khi dự án hoàn thành UBND tỉnh sẽ trả bằng đất cho công ty nhưng tính đến thời điểm này vẫn chưa được bàn giao đất.

Tiếp tục nói về việc thành lập chợ mà chưa có phép của chính quyền địa phương, Minh thừa nhận việc làm này là sai, kể cả việc tự đặt ra các khoản phí rồi cho "đàn em" của mình thu phí. Bị cáo Minh "Sâm" bao biện rằng, vì sợ những xe gỗ sẽ làm hỏng đường nên mới tiến hành thu phí để bảo dưỡng.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có dọa nạt, chèn ép các xe gỗ và chủ gỗ? Bị cáo Minh “Sâm” cho rằng, không hề chỉ đạo “đàn em” làm việc này và cũng không có sự bắt buộc các chủ gỗ phải nộp phí khi vào trong chợ.

Theo bị cáo Minh “Sâm”, từ khi bị bắt đến nay, bị cáo rất hối hận và đã nhận thấy mình đã sai trong việc quản lý nhân viên của Công ty Đại An. Ngoài ra, do thiếu hiểu biết pháp luật nên mới phạm tội nên xin HĐXX xem xét. Tội bị cáo đến đâu sẽ xin chịu đến đó.
Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi, bị cáo Minh “Sâm” đã chỉ đạo những gì? Bị cáo Tùng khai nhận, mình chỉ chịu trách nhiệm thu tiền bến bãi chứ không chỉ đạo đe dọa đối với những trường hợp chống đối. Khi chủ tọa công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cho thấy có chuyện đe dọa, gây khó khăn nhưng Tùng đã phủ nhận.

Bị cáo Trần Thái Sơn (SN 1991, con rể của Minh “Sâm”) cho biết, vợ chồng Sơn cùng với một số đối tượng khác làm nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ các xe chở gỗ đến thị xã Từ Sơn.

Còn bị cáo Nguyễn Thu Hằng - con gái Minh “Sâm” khai nhận, không chỉ đạo nhân viên dọa nạt việc thu phí mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý giờ giấc và bị cáo biết việc thu phí là sai bởi chưa được sự cho phép cho phép của cơ quan chức năng.

Trong phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1991) - nhân viên văn phòng Ban quản lý (BQL) chợ gỗ Phù Khê Đông – chợ Đồng Bèo thuộc Công ty TNHH Đại An, bị cáo này cho rằng không biết bị bắt vì nguyên nhân gì. Bị cáo Hoàng cho biết, mình không đe dọa các xe gỗ và chủ gỗ. Đối với những trường hợp không chịu đóng lệ phí Hoàng chỉ về báo cáo cho Nguyễn Văn Tùng (SN 1966, ở phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh). Ngay lập tức, chủ tọa phiên tòa cho biết, bị cáo bị bắt là có Lệnh truy nã toàn quốc của Cơ quan điều tra và từ khi có lệnh thì 19 ngày sau bị cáo mới bị bắt giữ.

Tiếp đó, khi xét hỏi bị cáo Phạm Văn Đức đã khai, mình được Minh “Sâm” nhận vào làm trong BQL của chợ và được Tùng trực tiếp quản lý. Nhiệm vụ của Đức là trông giữ và thu phí đường, phí chợ của những xe chở gỗ. Trong phần trả lời của mình, bị cáo Đức luôn quanh co chối tội.

Theo dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 1 - 3/6).