1.400 tỷ đồng xây tượng đài, tôi nghe còn thấy hoảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/8, Bộ VHTT&DL đã có cuộc họp đột xuất xung quanh vấn đề đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La để có kết quả báo cáo Ban Bí thư T.Ư.

Quảng trường thành phố Sơn La.
Quảng trường thành phố Sơn La.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên tham dự cuộc họp, xung quanh đề xuất của UBND tỉnh Sơn La.1.400 tỷ đồng xây tượng đài, tôi nghe còn thấy hoảng - Ảnh 1

Thưa ông, mấy ngày vừa qua dư luận xôn xao về dự án tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La được đầu tư kinh phí 1.400 tỷ đồng. Ông có thể cho biết, thông tin 1.400 tỷ đồng đầu tư cho công trình này có đúng hay không?

- Công trình tượng đài Bác Hồ với các đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La đã được Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính ủng hộ và trình lên Ban Bí thư T.Ư đồng ý về mặt chủ trương. Tóm lại về mặt thủ tục hoàn toàn đúng quy trình. Còn về kinh phí 1.400 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Bác Hồ mà mấy ngày nay các báo đưa, là thông tin không chính xác. Bởi một công trình tượng đài phải được xây dựng, dự toán kinh phí trên cơ sở phác thảo đã được chọn. Hiện nay, phác thảo cho tượng đài Bác Hồ tại tỉnh Sơn La mới được hội đồng nghệ thuật, trong đó có lãnh đạo Bộ VHTT&DL tuyển chọn, thì chưa thể có dự toán kinh phí. Tôi nghĩ trong vấn đề này đang có sự hiểu lầm.

Dự toán kinh phí có thể chưa được phê duyệt, tuy nhiên, đây là con số ước tính mà UBND tỉnh Sơn La đề ra. Theo ông, mức đầu tư 1.400 tỷ đồng có phải là lớn?

- Không phải tôi, mà bất kỳ người Việt Nam đều thấy rằng 1.400 tỷ đồng xây dựng công trình tượng đài đều là quá lớn. Cho đến nay, tượng đài có mức kinh phí cao nhất của chúng ta là tượng đài mẹ Thứ - Quảng Nam - số tiền xây dựng khoảng 400 tỷ đồng. Kinh phí dự kiến 1.400 tỷ, tôi nghe còn phát hoảng! Tôi nghĩ một công trình lớn như vậy chắc chắn cần phải xem xét và phê duyệt rất kỹ. UBND tỉnh Sơn La đưa ra con số khoảng 1.400 tỷ đồng, có thể khi đưa lên trên duyệt sẽ bị ép xuống con số nhỏ hơn. Hơn nữa, UBND tỉnh Sơn La dự toán kinh phí 1.400 tỷ đồng là cho cả quần thể, gồm cả hạng mục quảng trưởng, công viên, bảo tàng… chứ không phải số tiền lớn đó chỉ đầu tư cho xây tượng Bác. Và số tiền đầu tư theo từng giai đoạn, nhiều năm, không phải Chính phủ ngay lập tức rót 1.400 tỷ đồng để tỉnh Sơn La thực hiện.

Trước sự kiện khiến dư luận phản ứng, sáng 5/8, Bộ VHTT&DL đã có cuộc họp “nóng”, để có kết quả báo cáo lên Ban Bí thư T.Ư. Là thành viên tham dự cuộc họp, ông có thể cho biết quan điểm và hướng xử lý của Bộ VHTT&DL?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư Đề án xây dựng quần thể tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng mà báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8 này.

- Quan điểm của Bộ VHTT&DL, bằng văn bản, cũng như trong tất cả các hội nghị, hội thảo, tuyển chọn các tác phẩm, phác thảo rằng phải căn cứ vào điều kiện tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương, cũng như quy mô công trình làm sao cho phù hợp với không gian kiến trúc ở địa phương đó. Bộ cũng như Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khuyến các các địa phương không chạy theo quy mô hoành tráng, tượng phải to lớn. Bộ VHTT&DL không có tư tưởng xây dựng tượng đài tràn lan.

Dưới góc độ của nhà mỹ thuật, ông có thấy điều gì bất hợp lý ở đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc lần này?

- Tôi cũng không đồng tình khi mà sắp xếp các hạng mục trong quảng trường như dự thảo đề án, ví dụ như đặt đài liệt sĩ trong quảng trường liệu có phù hợp?

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ, Chính phủ về mỹ thuật, ông có ý kiến gì về việc hiện nay nhiều địa phương thích xây những công trình lớn, tượng đài, quảng trường lớn?

- Về phía Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, chúng tôi đã ra quá nhiều văn bản nhắc nhở, khuyến cáo các địa phương về vấn đề này. Song nhiều địa phương vẫn tiếp tục xây dựng một cách tùy tiện. Phải khẳng định, ở Việt Nam không có nhiều người có khả năng sáng tạo những công trình, tranh tượng, mỹ thuật hoành tráng. Tượng đài Bác Hồ ở TP Hồ Chí Minh khánh thành năm 2015, có hơn 30 tác giả, hơn 30 mẫu phác thảo gửi đến, nhưng mẫu chất lượng chỉ loanh quanh khoảng 7 đơn vị và cùng tác giả, không nhiều tác phẩm tốt. Hiện nay chúng ta đang thiếu các nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng, có năng lực để làm tượng đài.

Xin cảm ơn ông!
Đúng 16 giờ ngày 5/8, bà Mai Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La chủ trì buổi họp báo thông tin chính thức về đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và nhiều hạng mục khác với kinh phí dự kiến 1.400 tỷ đồng. Theo thông tin từ cuộc họp báo: Tổng số tiền 1.400 tỷ đồng bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với tổng diện tích dự kiến khoảng 20ha, bao gồm: Lễ đài cao từ 5 - 8m, Quảng trường có sức chứa 20.000  người, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đền thờ Bác Hồ, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, bảo tàng tổng hợp, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng… Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng, sử dụng cả nguồn vốn xã hội hóa và ngân sách Nhà nước. Các công trình này được thể hiện trong hai đề án di dời Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La và đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ.  Đây là 2 dự án tỉnh đưa ra để xin chủ trương theo thủ tục luật đầu tư công chứ chưa được phê duyệt hay quyết định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần