15 năm "đội nắng mưa" phân luồng giao thông làng Lai Xá

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã bước sang tuổi 83, nhưng suốt 15 năm nay, ông Phạm Ðình Chính ở làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội) ngày ngày đội nắng mưa gió bão, tự nguyện miệt mài "vác tù và hàng tổng" làm nhiệm vụ của một người cảnh sát giao thông, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên những con đường quê hương.

Làm việc bất kể mưa nắng
Hà Nội một ngày mùa đông cơn mưa dầm dề kéo dài từ ngày hôm trước đến tận ngày hôm sau vẫn chưa dứt, những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt khiến người Hà Nội thêm tê tái trong giá rét. Trên những con phố, dòng người hối hả ngược xuôi. Ai nấy đều vội vã vận quần áo ấm, mũ, khăn kín đầu, khoác lên mình những bộ áo mưa, để tránh cái giá lạnh, ướt át. Thế nhưng khi bước chân tới cổng làng Lai Xá, chúng tôi không khỏi xúc động bởi hình ảnh một ông lão chân trần với mái tóc trắng như cước, khuôn mặt thường trực nụ cười, mặc áo mưa, đeo băng đỏ, đứng giữa cổng làng, tay quơ chiếc gậy, miệng liên tục tuýt còi để phân luồng giao thông. Hình ảnh đẹp ấy được người dân Lai Xá gọi bằng cái tên trìu mến "ông giao thông làng” Phạm Đình Chính.
''Ông giao thông làng'' Phạm Đình Chính đội mưa, rét phân luồng giao thông tại cổng làng Lai Xá.
Cần mẫn làm công việc mà không ít người cho rằng "rỗi hơi", ông Chính vẫn nổi bật giữa đám đông. Giống như một người cảnh sát giao thông thực thụ, ông Chính điều khiển dòng người đi chậm lại, đúng làn đúng tuyến. Những khi xuất hiện xe ôtô, ông Chính lại "tả xung hữu đột" chặn một dòng để nhường cho luồng còn lại thông suốt. Nhờ đó, dòng người đã qua "nút cổ chai" cổng làng Lai Xá một cách an toàn trong phút chốc.
Bằng chất giọng hào sảng, khỏe khoắn, vừa giơ gậy điều khiển, ông vừa  tâm sự với chúng tôi, tốc độ đô thị hoá khiến con đường trục chính dẫn vào làng Lai Xá trở nên đông đúc hơn. Con đường vào làng là nơi giao cắt giữa đường làng và quốc lộ 32, lại có hai trường học ở gần (Trường THPT Hoài Ðức và THCS Kim Chung), nên lưu lượng phương tiện giao thông vào giờ cao điểm rất lớn. Nhà ông Chính nằm ngay đầu làng, nên hằng ngày ông chứng kiến cảnh nhiều vụ va chạm giao thông xảy ra, đa phần là do đường nhỏ, người đông, khó kiểm soát. Điều đó làm ông Chính đứng ngồi không yên và muốn trở thành người phân làn giao thông. Năm 2002, ông đã tự nguyện ra đứng ở cổng làng Lai Xá đồng hành cùng những vật dụng: Chiếc ghế nhựa, cây gậy điều khiển, cái còi… cho đến bây giờ.
Kể từ đó, lịch làm việc của ông Chính đều đặn mỗi ngày 3 ca: Sáng (5h30-7h30), trưa (9h30-11h30), chiều (15h30-17h30) ở nút giao thông cổng làng. Để tiện việc điều khiển xe trong giờ cao điểm, ông cũng phân chia thành các luồng đường khác nhau. Người dân theo hiệu lệnh của ông, đều nghiêm chỉnh chấp hành. Những ngày đầu ông làm "cảnh sát giao thông làng", nhiều người lạ lắm, bảo ông... “gàn, dở” ngày qua ngày, mọi người dần hiểu và thấy hiệu quả của công việc ông đang làm, nên tự giác nghe theo. Ùn tắc giảm hẳn, tai nạn không còn.
Mãn nguyện khi được giúp dân
15 năm “vác tù và hàng tổng”, chưa buổi nào ông cho phép mình được nghỉ ngơi. Nắng mưa, giá rét, ông cũng không rời chỗ đứng nếu đường còn đông xe cộ. Vợ con thấy ông vất vả nên can ngăn, ông không nghe. Lúc trái gió trở trời, toàn thân đau nhức, ông vẫn ra đường đúng giờ. Bà Nguyễn Thị Hoa (chủ cửa hàng tạp hóa gần cổng làng) cho biết: “Những ngày mưa, gió, rét như thế này, hay những ngày nắng chang chang, hàng xóm khuyên ông nghỉ việc, nói thế nào, ông cũng không chịu. Ông bảo, không yên tâm khi thấy xe cộ cứ đi nườm nượp. Già rồi mà cứ cặm cụi, ông cứ làm khổ mình”.
Thấy việc làm ý nghĩa của ông Chính, Nguyễn Quang Duy, học sinh lớp 11A, trường THPT Hoài Đức A cảm phục: “Từ lúc ông Chính làm công việc này, giao thông trong làng không còn ùn tắc và không thấy còn tai nạn giao thông nữa. Ông điều khiển, hướng dẫn và nhắc nhở người dân tham gia giao thông cho an toàn. Đi vào làng ông luôn nhắc nhở học sinh đi chậm, đi hàng một và để ý xung quanh”.
Làm công việc “vác tù và hàng tổng” vất vả là vậy nhưng ông chẳng nhận của cải của ai bao giờ. Thôn có ý định trả thù lao, ông bảo: "Tôi chỉ làm việc nhỏ, có đáng gì mà thôn trả lương. Với tôi, niềm vui trong cuộc sống là nhận được những câu chào hỏi, những lời quan tâm của người làng, của người tham gia giao thông, được giúp người dân là tôi mãn nguyện rồi”.
Ánh mắt xa xăm, nhớ về những ngày xưa cũ, quãng thời gian ông đi làm ảnh, ông bảo: “Có được sức khỏe như bây giờ là nhờ thời trai trẻ tôi đi nhiều chứ, lăn lộn, vùng vẫy khắp mọi nẻo đường để có những tấm ảnh đẹp".
Mưa rả rích, rét thấu xương. Trời mỗi lúc một lạnh hơn, gió rít từng cơn và mưa bay lất phất nhưng ở tuổi 83, hình ảnh ông Chính trong mắt người dân làng Lai Xá vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và vẫn chưa muốn ngừng công việc thầm lặng của cảnh sát giao thông làng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần