15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội: Những bước phát triển mạnh mẽ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 1/8/2023, đánh dấu tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12. Đồng thời với sự tăng quy mô, khối lượng công việc, những dấu ấn Hà Nội đạt được tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đô thị đa chức năng.

Giữ vai trò đầu tàu về kinh tế

Phân tích của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII “về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" là một dấu mốc và bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô.

Như nguyên lãnh đạo thành phố đã chia sẻ, khi Quốc hội đưa vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ra thảo luận tại nghị trường cũng như trong suốt quá trình triển khau lúc đầu có nhiều ý kiến băn khoăn. Thuận lợi, cơ hội - lúc đó chỉ là triển vọng, phải phấn đấu quyết liệt, bài bản mới có được; còn khó khăn chính là thực tế. Nếu tổ chức thực hiện kém, những mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết sẽ khó đạt được. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, Hà Nội đã thực hiện bài bản và thành công.

Quang cảnh Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Quang cảnh Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đúng như nhiều chuyên gia đã nhận định, nếu không có chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội ngày nay sẽ không có không gian đủ tầm để phát triển. Đặc biệt, phải ghi nhận việc thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính một cách sáng tạo của thành phố Hà Nội đã góp phần tạo nên những kết quả rõ nét trong 15 năm vừa qua. Hà Nội đã “cân đong, đo đếm, tiên lượng” thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội một cách thận trọng, bài bản để có được kết quả hôm nay.

Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) gấp 3,5 – 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).

 

Sau 15 năm, Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch giữa các vùng miền..., nhưng nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc kéo gần khoảng cách giữa các địa bàn, tạo thành ra những kết quả tốt trong phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, an sinh xã hội... là những vấn đề đã được thực tiễn khẳng định.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Thu ngân sách nhà nước  trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao.

Thành phố đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hàng năm 11,04%. So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tầu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Hà Nội đang tiếp tục không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư và gắn bó với Thủ đô, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố. Hà Nội đang hướng đến phát triển thành “thành phố thông minh” với việc cải thiện hạ tầng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào hệ thống chính quyền điện tử trong quản lý; bảo vệ và cải thiện môi trường; phát triển các dịch vụ công và phúc lợi xã hội…

Bước thay đổi lớn về diện mạo cả đô thị và nông thôn

Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Sự phát triển mang tính bứt phá, xóa nhòa dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn xa, vùng miền núi.

Hà Nội vừa khởi công Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội, một dự án quan trọng với sự phát triển của thành phố
Hà Nội vừa khởi công Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội, một dự án quan trọng với sự phát triển của thành phố

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị, nông thôn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 15 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.

Đặc biệt, vừa qua, cùng với các tỉnh liên quan, Hà Nội đã khởi công Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 –NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Hà Nội, dự án là cơ sở để thực hiện công tác Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên). Đồng thời, phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có.

Quang cảnh nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn
Quang cảnh nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trong những năm qua, Hà Nội cũng sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Nhiều chủ trương mới, chương trình mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận như thực hiện chỉnh trang, hình thành văn minh đô thị, trong đó đã có một số tuyến phố kiểu mẫu; cải tạo, xây mới nhiều vườn hoa, công viên; trồng cây xanh đồng bộ với hạ ngầm hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc.

 

Vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh. Hiện thành phố cũng đang tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.

Như lãnh đạo thành phố đã khẳng định: Từ các chương trình công tác của Thành ủy, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hoà, Ba Vì đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đó, khu vực nông thôn Hà Nội có bước chuyển mình và phát triển rõ nét theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao.

Hiện nay, Thành phố đang nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố.

Như nhiều ý kiến khẳng định, Hà Nội đã phát huy khá tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nên những hệ lụy, những khó khăn, thử thách nảy sinh là khó tránh khỏi. Riêng về vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, đòi hỏi thành phố phải tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, để có phương án giải quyết hiệu quả nhất.