Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 là một trong 14 địa điểm thuộc hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Di sản đã được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1975, hiện do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực tiếp quản lý.
|
Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. Ảnh: Lại Tấn. |
Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2006), di tích đã được TP đầu tư tu bổ, mở rộng khuôn viên di tích; tổ chức di dân, giải phóng mặt bằng 18 hộ dân để xây dựng, phục dựng các hạng mục công trình gồm: Nhà 5 gian, xây mới nhà làm việc, cổng, tường rào, sân vườn, cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, mở rộng đường vào di tích nhằm tạo không gian thuận lợi cho khách tham quan, học tập và nghiên cứu. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020.
Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Để thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021); nhằm cung cấp thêm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946; giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, Nhân dân Vạn Phúc đối với cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sở VH&TT Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích danh thắng tổ chức trưng bày bổ sung di tích: Phòng “Không gian dệt lụa” tại di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946.
|
Đại biểu tham quan phòng trưng bày "Không gian dệt lụa". Ảnh: Lại Tấn. |
Bằng thủ pháp trưng bày hiện đại, thiết kế mỹ thuật độc đáo, với nhiều điểm nhấn và cảm xúc, trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Mỗi một hình ảnh, hiện vật là một câu chuyện lịch sử về làng Vạn Phúc – nổi danh xứ Đoài về nghề dệt lụa cổ truyền với các công cụ của nghề dệt. Bên cạnh đó, nội dung trưng bày còn phục dựng căn phòng đồng chí Hoàng Quốc Việt – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ ở và làm việc năm 1938 tại căn gác xép cổng, thông với dãy nhà ngang – phòng dệt lụa (giáp với cổng thứ 2) của di tích.
|
Khách tham quan tìm hiểu quá trình làm lụa Vạn Phúc. Ảnh: Lại Tấn. |
Thông qua trưng bày nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang dân tộc. Khẳng định vai trò, vị trí của ngôi nhà qua các thời kỳ cách mạng; khơi dậy và bồi đắp niềm tin, niềm tự hào, tri ân công lao to lớn đối với Đảng, Bác Hồ, các chiến sĩ trung kiên, các thế hệ cán bộ đảng viên đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm thời cơ, vận hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phòng “Không gian dệt lụa” giúp khách tham quan quay ngược thời gian lại năm 1946 và trải nghiệm về một nghề truyền thống của làng lụa Vạn Phúc tại ngay chính gia đình cách mạng yêu nước; góp phần cung cấp thêm thông tin về nghề dệt lụa truyền thống của gia đình ông Nguyễn Văn Dương. Tạo ra một không gian trưng bày hiện đại, khoa học, phù hợp với công tác giáo dục, tuyên truyền, phát huy giá trị tại di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.