17 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân vốn đầu tư công mới đạt dưới 10%

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Có 17 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể

Theo báo cáo của Chính phủ, bám sát các quan điểm chỉ đạo, điều hành, nhằm phấn đấu cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ xác định các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2024. Cụ thể, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Ảnh: Quochoi.vn

Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15. Dự kiến năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%.

Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung. Có 17 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Trong đó, các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như báo cáo của Chính phủ. Cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, cơ quan thẩm tra đề nghị nhấn mạnh giải pháp tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Ngoài ra, tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực giám sát và quản trị rủi ro hệ thống. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp thứ 27. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp thứ 27. Ảnh: Quochoi.vn

Mất cân đối về cung cầu lao động

Tại Phiên họp thứ 27, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ lo ngại, tính đến tháng 9 năm 2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5 % - 6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá nếu chỉ tăng 1% năm suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP. Chính phủ đã nhận diện nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này, do vậy Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với 3 đột phá chiến lược, hai yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng nhân lực vẫn chưa có đột phá trong lĩnh vực này mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, đề án, gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng thể thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi các chỉ số về lực lượng lao động, chỉ số thất nghiệp, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định, đặc biệt lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài đạt 88,39% - tỉ lệ rất cao. Trong lĩnh lực lao động, các chỉ tiêu được Quốc hội giao dự kiến đạt và vượt kế hoạch.

Về một số tồn tại, hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, thị trường phát triển chậm chưa bền vững, có sự chênh lệch giữa các vùng miền, tình trạng mất cân đối về cung cầu lao động như  vùng sâu vùng xa không có lao động để phát triển kinh tế; dự báo nhu cầu lao động chủ yếu phục vụ ở cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa thực sự có ý nghĩa với doanh nghiệp và người lao động.

Liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 8 tháng đầu năm, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ nghèo đa chiều năm 2022 giảm 1,83%, tỉ lệ hộ nghèo, chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 giảm 1,17%, ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,62%... Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, kết quả này đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Nghị quyết số 24 của Quốc hội đề ra.

Về chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trợ giúp đột xuất và chăm sóc, phát huy người cao tuổi cơ bản được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong lĩnh vực an sinh xã hội vẫn còn hạn chế. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chậm trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42 về điều chỉnh lương hưu trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, dẫn đến việc chi trả chậm so với Nghị quyết của Quốc hội giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Thiếu giáo viên và các chính sách cho giáo viên

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ nhất trí với các nội dung báo cáo của Chính phủ. Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, lĩnh vực này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên về phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, cần xác định rõ vấn đề thiếu giáo viên và các chính sách cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non...

Về lĩnh vực giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học là một chủ trương lớn. Thời gian qua, lĩnh vực này cũng có nhiều nỗ lực và đầu tư ngày càng nhiều hơn. Chất lượng đào tạo, chất lượng giáo viên của các trường tư thục tương đối tốt...

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn, kể từ khi áp dụng tự chủ đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đây cũng là vấn đề cần sớm quan tâm, giải quyết trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, liên quan đến giá sách giáo khoa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có phương án giải quyết vấn đề này.

 

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong điều hành kinh tế xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, trong điều kiện khó khăn cả về tình hình quốc tế và những khó khăn nội tại, Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác để thực hiện các mục tiêu về kinh tế xã hội…

Liên quan đến tình hình cháy nổ trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tình hình cháy nổ trong những năm qua diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini đã thể hiện chúng ta còn sơ hở trong công tác PCCC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần tăng cường thực hiện các giải pháp Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết về PCCC.

Về thực trạng lừa đảo qua mạng xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý mạng xã hội để cảnh báo những trường hợp lừa đảo trên mạng xã hội để người dân được biết, phòng ngừa. Về tình trạng bắt cóc, xâm hại trẻ em; tình trạng sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử có trộn ma túy khá phổ biến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý lĩnh vực này.