Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2/11 tỉnh khống chế thành công dịch lở mồm long móng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian nỗ lực khống chế, ngăn chặn lây lan, diễn biến dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc đã dần được kiểm soát. Dù vậy, nguy cơ bùng phát vẫn rất cao.

Tiêm phòng vaccine phòng, chống bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Văn Đức. 
Báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra 114 ổ dịch lở mồm long móng tại 25 huyện của 11 tỉnh bao gồm: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng số gia súc bị bệnh là 4.044 con. Trong đó, số gia súc bị chết là 107 con.
Dù đã triển khai đồng bộ khá nhiều giải pháp, tuy nhiên đến nay, cả nước mới khống chế được 3 ổ dịch, vẫn còn 111 ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày tại 9 tỉnh. Số gia súc chưa khỏi bệnh lâm sàng là 1.173 con. Hiện, mới có 2 tỉnh hết dịch bệnh lở mồm long móng là: Tiền Giang và Kon Tum.
Theo đánh giá nguyên nhân phát sinh dịch bệnh của Cục Thú y, các ổ dịch lở mồm long móng xảy ra chủ yếu trên các đàn gia súc chưa được tiêm phòng vaccine. Dịch bệnh này cũng xảy ra chủ yếu trên đàn bò (chiếm tỷ lệ 91% tổng số vật nuôi mắc bệnh). Bên cạnh đó, tất cả các ổ dịch đều do chủng virus lở mồm long móng type O gây ra.
Dù công tác khống chế dịch bệnh lở mồm long móng đã bước đầu có kết quả tích cực, tuy nhiên, Cục Thú y nhận định, nguy cơ phát sinh và lây lan của dịch bệnh trên gia súc này vẫn rất cao, đặc biệt là đối với đàn gia súc chưa tiêm phòng vaccine.
Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng cũng có nhiều khả năng xảy ra khi đàn gia súc khoẻ mạnh được vận chuyển đến vùng dịch cũ; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có điều kiện phòng, chống dịch bệnh hạn chế…