2 chất độc hại trong mẫu giám định của lô thuốc kích thích rau mầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, mẫu thuốc giúp cây trồng tăng trưởng mà Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Hà Nội gửi phân tích có chứa 2 chất không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.

Ngày 7/12, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường- Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa nhận được kết quả phân tích mẫu trong lô 80.000 tuýp thuốc kích thích tăng trưởng rau mầm, giá đỗ đã bắt giữ ngày 13/11 vừa qua. Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, mẫu thuốc giúp cây trồng tăng trưởng mà Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Hà Nội gửi phân tích có chứa 2 chất không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.

 
Thuốc kích thích rau mầm, giá đỗ bị phát hiện rất độc hại với con người.
Thuốc kích thích rau mầm, giá đỗ bị phát hiện rất độc hại với con người.
Theo đó, kết quả giám định mẫu thuốc cho thấy thành phần chủ yếu trong các tuýp thuốc trên là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ chất pCPA(4-Chlorophenoxyacetic hoặc parachlorophenoxyacetate) được pha chế trong môi trường kiềm. Các chất này không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Hai chất 6-BA và pCPA là các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thuộc họ Cytokinins và họ Auxins có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng, kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cho biết do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu tiếp xúc trực tiếp với số thuốc kích thích này có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp. Khuyến cáo bằng tiếng Trung in trên sản phẩm của nhà sản xuất cũng ghi rõ cần tránh xa tầm tay, nhất là trẻ em. Cần tránh tiếp xúc trực tiếp, nếu không may dính vào mắt cần phải nhanh chóng đưa ngay tới cơ sở y tế nơi gần nhất. Điều này đã cho thấy phần nào mức độ ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe con người.

Vụ việc các cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt giữ lô hàng 80.000 tuýp thuốc kích thích rau mầm, giá đỗ gây chấn động dư luận trên chưa kịp lắng xuống, thì ngay sáng 6/12, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường- Bộ Công an  phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường tỉnh Bắc Giang, Đội Chống buôn lậu và hàng giả thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục phát hiện và bắt giữ hơn 160.000 tuýp thuốc kích thích sinh học gắn nhãn mác Trung Quốc, được các đối tượng buôn lậu sử dụng cùng thủ đoạn, giấu trong các bao tải để lẫn cùng với các bao đựng đỗ tương vận chuyển trên xe tải trọng lớn đang trên đường từ Lạng Sơn tuồn về Hà Nội tiêu thụ.

Qua quan sát, kiểm tra mẫu mã, hơn 160.000 tuýp thuốc kích thích cây trồng gắn nhãn mác Trung Quốc này vẫn cùng mẫu mã chủng loại với lô hàng 80.000 tuýp đã bắt giữ trước đó.