2 năm thực thi EVFTA, vẫn còn nhiều DN “chật vật” tiếp cận thị trường EU

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch thương mại hai chiều đạt tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, mức thâm nhập của hàng Việt vào thị trường này vẫn hạn chế và còn nhiều dư địa chưa khai thác hết.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/12.

Kết quả khả quan

Theo Bộ Công Thương, mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Trong năm đầu thực thi EVFTA (2020), trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Năm 2021 đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020. Riêng trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, cơ cấu ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể như dệt may tăng 24%, giày dép tăng 19%, thủy sản tăng 41%…

Toàn cảnh hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA. Ảnh: Hoài Nam
Toàn cảnh hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA. Ảnh: Hoài Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ vào EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà đang dần được đẩy mạnh sang thị trường ngách như Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu. Ngoài ra, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU cũng mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp, nên dư địa thị trường còn tương đối lớn để DN đẩy mạnh khai thác tiêu thụ sản phẩm Việt.

Hiện có đến 40% DN Việt Nam từng hưởng lợi từ EVFTA, nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. “Những kết quả tích cực nói trên cho thấy DN Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ DN, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, EVFTA đã tạo cơ hội cho đơn vị tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gạo sang thị trường EU. Cụ thể, năm 2018 DN chỉ xuất khẩu được 2.000 tấn gạo sang thị trường này, nhưng đến năm 2020 đã đạt 11.000 tấn, năm 2021 đạt 12.000 tấn, dự kiến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu lên đến 21.000 tấn.

Cộng đồng DN đánh giá rất cao những hỗ trợ của Bộ Công Thương, các thương vụ tại nước ngoài… đã hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, cung cấp thông tin EVFTA nói riêng và các FTA nói chung. Qua đó, giúp DN có thể nắm bắt nhanh, chính xác, áp dụng hiệu quả các cam kết thuế quan của Hiệp định EVFTA.

Thách thức vẫn còn

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhưng mới chỉ chiếm 2% thị phần kim ngạch nhập khẩu của thị trường EU lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh thẳng thắn nhìn nhận, thị phần nhiều mặt hàng chiến lược của Việt Nam như thủy sản, rau quả, may mặc tại thị trường EU còn rất thấp, chỉ 2 - 4% nên dư địa phát triển còn lớn. Hiện ngoài một số DN và sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc tại EU, vẫn còn khá nhiều DN “chật vật” tiếp cận thị trường này vì chủ yếu gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng trưởng sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA, nhưng thương hiệu Việt Nam chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu. Điều này khiến giá trị và lợi ích mà các DN Việt Nam thu về trong hoạt động xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng.

“Định vị thương hiệu và xúc tiến thương mại là điều các DN cần quan tâm trong thời điểm hiện nay. Các DN cần chủ động nắm bắt thông tin về cơ hội cắt giảm thuế quan đối với mỗi sản phẩm đặc trưng của mình. Cùng với đó, DN Việt cần chủ động nắm bắt thông tin về thị trường EU với các xu hướng, thị hiếu cũng như cơ chế nhập khẩu hàng hóa, trong đó quan tâm đến các yêu cầu chất lượng tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn…” - bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, trước hết DN Việt Nam cần bỏ tư duy và cách kinh doanh theo lối an toàn, chỉ tập trung vào thị trường truyền thống, mà cần tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chất lượng hàng hóa, chẳng hạn với mặt hàng gạo cần kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Để gia tăng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường EU, các chuyên gia đề xuất, Bộ Công Thương cần chuyển từ xúc tiến thương mại cho sản phẩm sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng; Tăng cường hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm...

Sản xuất hạt điều xuất khẩu của Hapro tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hạt điều xuất khẩu của Hapro tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hoài Nam

Trước các kiến nghị này, đại diện Bộ Công Thương thông tin, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các ngành đẩy mạnh kết nối tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình thực thi FTA, từ Trung ương đến địa phương đến DN xuất - nhập khẩu, tư vấn, các hiệp hội để hình thành chuỗi giá trị chung. Đồng thời triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho DN tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.