Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2 nhà máy xử lý rác thải chậm trễ: Cam kết sớm vận hành trở lại

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng rác thải cần xử lý trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng lớn, vấn đề về nâng cao năng lực tại các nhà máy được cử tri Thủ đô rất quan tâm. Đặc biệt, cử tri cho rằng những dự án chậm trễ, gây lãng phí cần phải được xử lý dứt điểm.

Nhà máy xử lý rác thải tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Vũ Khoa
Nhà máy xử lý rác thải tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Vũ Khoa

Đồng loạt kiến nghị

Với lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP rất lớn (theo ước tính khoảng hơn 7.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt/ngày) trong khi đó, lại có những dự án nhà máy xử lý chất thải dù đã được quy hoạch phục vụ, tiêu tốn tài nguyên đất nhưng nhiều năm không được đưa vào hoạt động.

Cụ thể ở đây là dự án 2 nhà máy xử lý chất thải do chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Thành Quang (Công ty Thành Quang), đơn vị được TP cho phép triển khai 2 nhà máy xử lý chất thải tại Đông Anh và Đan Phượng, sử dụng tổng cộng hơn 12ha đất nhưng để lãng phí suốt cả chục năm. 2 nhà máy bao gồm: Dự án xử lý rác thải trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) với diện tích khoảng 8ha, khởi công xây dựng từ năm 2001, nhưng đến nay chưa đưa vào khai thác, vận hành, gây ra lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư; Dự án xử lý rác thải trên địa bàn xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) có tổng diện tích trên 4,7ha, tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng hoạt động chính thức vào năm 2016 nhưng phải dừng hoạt động từ tháng 4/2018.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ khi hoạt động, nhà máy xử lý rác thải xã Phương Đình thường xuyên phải xin ngừng tiếp nhận rác do sự cố hỏng hóc thiết bị. Cụ thể, từ thời điểm hoạt động đến năm 2018, nhà máy đã ngừng tiếp nhận rác 5 lần với tổng số 777 ngày. Tháng 8/2022, Công ty CP Đầu tư Thành Quang cũng có báo cáo cho biết, một phần nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm trễ là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc đàm phán, thương thảo bị gián đoạn và tạm dừng. Ngoài ra, còn những vấn đề liên quan đến tài chính, công nghệ.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến các nhà máy xử lý chất thải không thể hoạt động là do chủ đầu tư không đánh giá hết khó khăn từ đầu. Điều này dẫn đến đầu tư thiết bị công nghệ lạc hậu, việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố ở hệ thống cấp khí đốt và thoát khí thải. Mặt khác, quy trình xử lý cũng chưa phù hợp với đặc tính các loại rác thải của Hà Nội. Do đó, một phần trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn như Sở KH&ĐT, Sở TN&MT... trong công tác hỗ trợ DN về thủ tục hành chính, thực hiện các biện pháp phân loại, tạo nguồn rác nguyên liệu cũng cần thiết phải nhắc tới.

Lời hứa của chủ đầu tư

Được biết, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (huyện Đan Phượng) có công suất giai đoạn 1 là 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực lân cận (Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại của những làng nghề, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Nhà máy xử lý rác Đông Anh có công suất thiết kế xử lý 500 tấn rác/ngày, được kỳ vọng sẽ xử lý rác thải công nghiệp, y tế và khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt ở huyện, qua đó giảm tải cho bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang, Nguyễn Thanh Quang cũng thừa nhận nhà đầu tư chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc thực tế trong việc triển khai dự án, lựa chọn công nghệ, dây chuyền thiết bị, máy móc; không đảm bảo huy động nguồn vốn, nợ Nhà thầu lắp đặt dây chuyền… dẫn đến không triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ được UBND TP phê duyệt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang khẳng định, những vướng mắc đã được giải quyết. Trong đó, UBND TP đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh, nâng công suất hoạt động của nhà máy tại huyện Đan Phượng.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt khối lượng xử lý 800 tấn rác thải/ngày, đề xuất này dựa trên việc TP đang nỗ lực thực hiện phân loại rác đầu nguồn. Nếu được phân luồng, khối lượng từ 800 – 850 tấn/ngày chúng tôi đều có thể đáp ứng do đã cải tiến bằng công nghệ hiện đại”- Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang nói.

Còn dự án Nhà máy xử lý rác thải Đông Anh, ông Nguyễn Thanh Quang cho hay, các công tác điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư nhằm phù hợp với tiêu chí tại các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26 và COP27), điều chỉnh quy hoạch mặt bằng đã gần như hoàn thiện. Đối với cả 2 dự án, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang đưa ra hứa hẹn sẽ đưa vào vận hành khoảng quý I năm 2023 và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với TP nếu không thực hiện được.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP đã ban hành các văn bản về việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh và dự án Nhà máy xử lý và chế biến rác thải Phương Đình của Công ty CP Đầu tư Thành Quang. Trong đó, trách nhiệm chính được UBND TP giao cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (Sở Xây dựng, KH&CN, TN&MT, UBND huyện Đan Phượng, Đông Anh, Công ty CP Đầu tư Thành Quang...) kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án của nhà đầu tư. Đồng thời yêu cầu Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm báo cáo đề xuất xử lý theo quy định.

 

Tất cả những bất cập, vấn đề mà cơ quan truyền thông đã nêu suốt thời gian qua, chúng tôi thừa nhận và không thanh minh. Điều quan trọng nhất là chúng tôi đang chứng minh mình đang làm. Với sự sát sao của TP, mọi quá trình, yêu cầu về cả tài chính, công nghệ đang được tiến hành thuận lợi.

Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang Nguyễn Thanh Quang