Phân loại rác tại nguồn
Tạo chuyển biến từ mô hình chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Từ tháng 7/2025, mô hình chính quyền 2 cấp chính thức đi vào vận hành với thẩm quyền mới trong lĩnh vực môi trường. Chính quyền địa phương vốn đang “bế tắc” khi triển khai phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, nay được tạo thêm đòn bẩy mới. Liệu điều này sẽ trở thành bước ngoặt, giúp phá vỡ khó khăn tồn đọng lâu nay?
Sức bật mới từ mô hình chính quyền 2 cấp
Mỗi sáng tại khu phố cổ Hà Nội, những chiếc xe rác di chuyển qua các con ngõ nhỏ, thu gom hàng trăm bao rác từ các hộ gia đình. Tuy nhiên, phần lớn rác thải vẫn là hỗn hợp chưa được phân loại: vỏ chai nhựa trộn lẫn với thức ăn thừa, giấy báo cũ lẫn cùng túi ni-lông. “Tôi nghe nói phải phân loại rác, nhưng chẳng ai hướng dẫn cụ thể. Mua thêm thùng rác thì tốn chỗ, mà xe rác đến cũng gom chung cả” - chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ở phường Hoàn Kiếm chia sẻ. Tình trạng này phản ánh thực tế chung tại Hà Nội, nơi thải ra khoảng 7.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày.

Hạ tầng cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đang ngày càng hiện đại hóa. Ảnh: Quý Nguyễn
Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, tất cả các hộ gia đình phải phân loại rác thành ba loại – rác tái chế, rác thực phẩm, và rác thải khác – với mức phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nếu không tuân thủ. Tuy nhiên, sau hơn sáu tháng triển khai, việc phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội vẫn gặp nhiều trở ngại. Ý thức người dân chưa cao, hạ tầng chưa đồng bộ, và công tác tuyên truyền còn thiếu hiệu quả là những rào cản chính. Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, phân loại rác tại nguồn đòi hỏi thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt. Hà Nội đông dân, khu vực nội thành chật hẹp, việc triển khai càng khó khăn hơn. Hơn nữa, quá trình sáp nhập hành chính để chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp ở một số khu vực ngoại thành Hà Nội đã khiến nguồn lực quản lý rác thải bị phân tán, làm chậm tiến độ thực hiện.
Mô hình chính quyền 2 cấp, được xem là cơ hội để Hà Nội giải quyết bài toán phân loại rác tại nguồn. Việc bỏ cấp huyện giúp giảm tầng nấc trung gian, tăng hiệu quả ra quyết định và phân bổ nguồn lực. Đặc biệt, cấp phường, nơi gần gũi nhất với người dân, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, và hỗ trợ thực hiện. Cũng từ ngày 1/7/2025, chính quyền cấp xã được giao thêm nhiều thẩm quyền mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 131/2025/NĐ-CP. HĐND cấp xã được quyền bố trí kinh phí cho các hoạt động môi trường. UBND xã có thể lập danh mục cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải để báo cáo cấp tỉnh, triển khai các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải làng nghề và phục hồi môi trường sau sự cố. Cơ quan này cũng có trách nhiệm công bố, ứng phó và phục hồi môi trường trong các sự cố cấp xã, đồng thời công khai kế hoạch ứng phó trên Cổng thông tin điện tử. Chủ tịch UBND xã được giao nhiều quyền điều hành như tiếp nhận đăng ký môi trường, huy động lực lượng, thiết bị ứng phó sự cố, chỉ định người phát ngôn, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố chất thải. Những quyền hạn mới này được kỳ vọng sẽ tăng tính chủ động cho cấp xã trong việc giám sát, xử lý ô nhiễm, đặc biệt tại các cụm công nghiệp và làng nghề – nơi vốn là điểm nóng về môi trường ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội.
Nhiều việc cần làm
Tuy nhiên, cơ hội đi kèm với thách thức. Việc phân cấp trách nhiệm giữa UBND TP Hà Nội và các phường vẫn cần được làm rõ. Hiện nay, một số phường phụ thuộc lớn vào ngân sách TP để mua thùng rác và xe vận chuyển, nhưng nguồn lực này còn hạn chế. Một thách thức khác là áp lực giám sát và xử phạt. Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi không phân loại rác lên đến 2 triệu đồng đối với tổ chức, nhưng việc thực thi tại Hà Nội còn lỏng lẻo do thiếu nhân sự kiểm tra. Trong khi đó, diện tích các phường/xã mới hiện nay rất lớn, để giám sát hết địa bàn trong lĩnh vực môi trường cũng cần không ít nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng lợi thế của mô hình chính quyền 2 cấp, Hà Nội cần triển khai các giải pháp đồng bộ từ chính sách, chế tài, hạ tầng, đến ý thức cộng đồng. Trước hết, công tác tuyên truyền cần được đổi mới để tiếp cận hiệu quả hơn. Các chiến dịch trên mạng xã hội, video hướng dẫn ngắn gọn, và các chương trình tại trường học có thể giúp người dân dễ dàng nắm bắt cách phân loại rác. Trong đó, học sinh và người trẻ là những người tiếp thu nhanh nhất. Nếu đưa phân loại rác vào giáo dục từ sớm sẽ tạo được thói quen lâu dài.
Về hạ tầng, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ vào thùng rác phân loại, xe vận chuyển chuyên dụng, và các cơ sở xử lý hiện đại. Các phường cần được hỗ trợ kinh phí để lắp đặt thùng rác tại các điểm công cộng và khu dân cư. “Chúng tôi rất cần thêm thùng rác phân loại ở các ngõ nhỏ. Nếu có đủ trang thiết bị, công nhân như chúng tôi sẽ dễ dàng thu gom đúng quy trình” - chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân vệ sinh tại Phường Tây Mỗ cho biết.
Bên cạnh đó, việc phân định trách nhiệm giữa cấp TP và phường cũng cần được làm rõ. Một trong những việc cần làm ngay là ban hành quy định thống nhất về phân loại và thu gom rác, trong khi các phường đảm nhận vai trò giám sát và hỗ trợ người dân. Các doanh nghiệp thu gom cần được hướng dẫn cụ thể về tần suất và địa điểm thu gom để tránh tình trạng rác bị trộn lẫn. Hà Nội có thể học hỏi các mô hình kinh tế tuần hoàn, xem rác thải như một nguồn tài nguyên. Các chương trình như “Đổi rác tái chế lấy quà” tại một số phường nội đô đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nếu rác tái chế được thu mua với giá hợp lý, người dân sẽ có động lực phân loại hơn. Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy tái chế hoặc công nghệ đốt rác phát điện cũng được xem là một đòn bẩy hữu hiệu để huy động nguồn lực xã hội hóa vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn TP.
Đứng trên góc nhìn pháp lý, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy công tác phân loại rác tại nguồn, chế tài xử phạt là vô cùng quan trọng. Theo chuyên gia này, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm cần được áp dụng một cách hợp lý. “Mức phạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP là cần thiết, nhưng Hà Nội nên ưu tiên hướng dẫn và khuyến khích trước khi xử phạt. Thành lập các đội giám sát tại phường để kiểm tra và nhắc nhở người dân có thể là một giải pháp hiệu quả” – Luật sư Ứng nhận định.
Trích dẫn
Phân loại rác tại nguồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững. Mô hình chính quyền 2 cấp với sự phân công rõ ràng, tăng tính chủ động của cấp xã/phường, cùng với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng và chuyển đổi số, đang mở ra cơ hội lớn để Hà Nội giải quyết bài toán rác thải kéo dài. Tuy nhiên, thành công không chỉ đến từ chính sách và kỹ thuật mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự đồng thuận, ý thức của cộng đồng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Phân loại rác vẫn loay hoay
Kinhtedothi - Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày 1/1/2025, thời điểm Luật Bảo vệ Môi trường 2020 chính thức yêu cầu các hộ gia đình phải phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, ghi nhận tại các chung cư ở Hà Nội, nơi được kỳ vọng sẽ đi đầu, bức tranh thực tế vẫn gặp phải các “điểm nghẽn” khiến quy định khó hiện thực hóa.

Xử phạt không phân loại rác tại nguồn đang gặp khó
Kinhtedothi - Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn trở thành bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong áp dụng chế tài xử phạt.
Xử phạt không phân loại rác tại nguồn: Thiếu những hướng dẫn cụ thể
Kinhtedothi - Còn chưa đầy hai tuần nữa, cả nước chính thức bước vào giai đoạn phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, mọi thứ dường như vẫn đứng yên: thùng rác chung không đổi, người dân chưa được hướng dẫn cụ thể...