2 phương án chuyển A0 về Bộ Công Thương

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 phương án chuyển đổi mô hình Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương đã được đưa ra trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đó, Bộ Công Thương vừa có Tờ trình 3711/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương với 2 phương án.

Đấu nối đường dây Đức Hòa.
Đấu nối đường dây Đức Hòa.

Đề xuất mô hình chuyển đổi

Tờ trình nêu rõ, mô hình thị trường điện Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế tại những quốc gia có xây dựng thị trường điện thì vai trò của A0 (gồm điều độ hệ thống điện – System Operator (SO) và điều hành giao dịch thị trường điện Market Operator (MO) cùng với vai trò sở hữu lưới điện truyền tải của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia — Transmission Owner (TO) là những chức năng có mối quan hệ mật thiết do đây là những dịch vụ cơ bản của hệ thống điện, có tính độc quyền tự nhiên.

Do đó, việc kết hợp giữa ba dịch vụ (TO-SO-MO) sẽ quyết định mô hình tổ chức của A0. Tuy nhiên, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên chuyển nguyên trạng A0 (SO và MO) về Bộ Công Thương.

Đảm bảo cung ứng điện mùa năng nóng.
Đảm bảo cung ứng điện mùa năng nóng.

Việc chuyển đổi quản lý, chỉ đạo A0 từ EVN về Bộ Công Thương có thể thực hiện theo một trong 02 phương án. Thứ nhất, A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương. Phương án 2, A0 trở thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.

Cả hai phương án nêu trên đều đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.

Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng mục tiêu chuyển nguyên trạng A0 về trực thuộc Bộ Công Thương, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện là phù hợp. Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi Luật Giá và Luật Điện lực sửa đổi được ban hành, có thể xem xét thêm phương án 2.

Cần cơ chế đặc thù

Về tính đặc thù, tính chất đặc thù của đơn vị mới thành lập trực thuộc Bộ Công Thương là công tác vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện. Những nhân sự giữ chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện với áp lực công việc rất nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm ngàn thiết bị điện cao áp khác nhau, trong quá trình làm việc phải từ các quyết định thật nhanh, chính xác và không được phép sai sót.

Soi phát nhiệt MBA AT2 - TBA 220kV Thủy Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh
Soi phát nhiệt MBA AT2 - TBA 220kV Thủy Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh

“Mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao, hoặc gây mất điện diện rộng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng các nhân viên khác” – tờ trình nêu.

Bộ phận người lao động nói trên được tuyển dụng với yêu cầu cao (có bằng đại học ở mức khá, giỏi trở lên) được đào tạo chuyên sâu (từ 12 - 18 tháng) và phải qua kiểm tra kỹ lưỡng, khi đạt yêu cầu mới được phép bố trí công việc...

Do điện là hàng hóa đặc biệt phải luôn cân bằng giữa sản xuất (nguồn cung) và tiêu thụ (nhu cầu), nên các chức danh này có trách nhiệm đảm bảo vận hành hệ thống điện từng giây, từng phút suốt 24/24h, 7 ngày mỗi tuần. Thị trường điện cũng thực hiện khớp lệnh 30 phút/chu kỳ trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ (chu kỳ này có thể xuống còn 15 phút, hoặc 5 phút như các nước có thị trường điện phát triển khi cơ sở hạ tầng đáp ứng).

Đây là lực lượng nhân viên kỹ thuật tối quan trọng đối với vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện, cần phải duy trì ổn định và không dễ dàng thay thế do phải mất thời gian xấp xỉ 2 năm (kể cả thời gian tuyển dụng, đào tạo và tập sự chức danh) mới có thể có nhân sự mới…

Vì vậy, trong trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương và phụ cấp tương đương với mức hiện hưởng để đảm bảo tránh xáo trộn về nhân lực của A0 dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.

Lộ trình phù hợp để thực hiện

Qua rà soát các quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không có chức năng thực hiện việc quản lý, điều hành trực tiếp A0. Do đó, để điều chỉnh việc quản lý, chỉ đạo A0 về Bộ Công Thương theo quy định của Đảng và Nhà nước, cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

Công nhân truyền tải điện Thanh Hóa leo cột kiểm tra đường dây. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân truyền tải điện Thanh Hóa leo cột kiểm tra đường dây. Ảnh: Khắc Kiên

Cụ thể, với các Nghị định của Chính phủ, cần rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bỏ nội dung “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bố điện năng trong hệ thống điện quốc gia;” khỏi danh mục các ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, bỏ A0 khỏi danh sách các đơn vị trực thuộc EVN. Cùng đó rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2022/NĐ-CP...

Để đảm bảo A0 tiếp tục hoạt động ổn định, tránh ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, cần có lộ trình phù hợp để chuyển nguyên trạng các tài sản, nhân sự hiện nay sang Bộ Công Thương theo các quy định của pháp luật về quản lý tài sản cộng, đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển nguyên trạng A0 về Bộ Công Thương; giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; 

Giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện theo hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của A0 sang trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở chuyển nguyên trạng bộ máy nhân sự, tài sản, vốn từ EVN sang cho đơn vị mới thành lập...

Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định hiện hành của pháp luật; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, các cơ chế đặc thù về chi phí duy trì hoạt động của đơn vị, chế độ tiền lương, phụ cấp cho các nhân sự trực tiếp sản xuất của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thung.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Tài chính cấp bổ sung nguồn kinh phí cho Bộ Công Thương để duy trì hoạt động của đơn vị và trả lương cho các nhân sự trực tiếp sản xuất theo hướng đảm bảo các chế độ tài chính và mức lương như hiện tại.