Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/2, tổng vốn FDI từ các hạng mục đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là hơn 3 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2016. Đây là con số phản ánh rõ xu hướng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2017.
Cũng tính đến thời điểm 20/2, các dự án FDI đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng hơn 3% so với cùng kỳ 2016.
Với số vốn FDI tăng cao, tình hình xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài cũng gia tăng tương ứng. Trong 2 tháng đầu năm, khu vực này đã xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô).
Hiện tại, trong số 18 ngành lĩnh vực có đầu tư FDI, công nghiệp chế biến, chế tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn là 2,5 tỷ USD, chiếm đến trên 73% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hai lĩnh vực kế tiếp là kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Về quốc gia, Singapore đang đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là gần 882 triệu USD, chiếm gần 26% tổng vốn đầu tư. Còn Bình Dương đang là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký trên 791 triệu USD, chiếm hơn 23% tổng vốn đầu tư.