Đưa công nghệ vào sản xuất
Giống như nhiều nông dân khác ở xã Đại Thịnh, trước năm 1996, bà Hà gần như chỉ biết trông vào cây lúa. Tuy nhiên, giá trị từ cây lúa mang lại thấp khiến đời sống của nhiều người dân xã Đại Thịnh nói riêng, huyện Mê Linh nói chung rất khó khăn.
Năm 1996, khi bắt gặp những người nông dân ở phường Tây Tựu canh tác hoa cho giá trị kinh tế lớn, bà Hà đã mạnh dạn mua cây giống về trồng thử trên diện tích một sào. Ngày đó, gia đình bà Hà là một trong ít hộ dân bắt tay vào trồng hoa. “Bén duyên” đất Mê Linh, lứa hoa đầu tiên cho giá trị kinh tế cao gấp 5 – 6 lần so với canh tác lúa truyền thống.
Từ hiệu quả ban đầu, bà Hà bàn với gia đình dùng toàn bộ số tiền tích cóp được sau nhiều năm và vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư, nhân rộng mô hình trên diện tích 5 sào.
Bà Nguyễn Thị Hà bên sản phẩm cây giống hoa được tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Qua nhiều năm đầu tư, đến nay, tổng diện tích trồng hoa của gia đình bà Hà đã lên tới 2 mẫu. Không dừng lại ở canh tác hoa đơn thuần, năm 2013, bà Hà đã đầu tư gần một tỷ đồng để xây dựng phòng nuôi cấy mô, với mục tiêu tạo ra những chủng cây giống hoa có chất lượng hơn. Hàng chục kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, khoa học cây trồng… đã được tuyển dụng làm việc tại phòng nuôi cấy mô.
Đến nay, ngoài 2 mẫu canh tác hoa, bà Hà đã phát triển thêm 4 mẫu cây hoa giống. Hiện mỗi tháng, gia đình bà đang cung cấp hàng vạn cây hoa giống cho các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng và các tỉnh, TP phía Nam.
Không chỉ làm giàu cho bản thân
Bên cạnh canh tác hoa và sản xuất cây giống, bà Hà còn mở 2 cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp. Hiện, tổng doanh thu từ sản xuất, kinh doanh của gia đình bà vào khoảng 32 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được khoảng 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Hà còn tạo việc làm thường xuyên cho 17 nhân công, với mức lương từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm thu hoạch hoa, số lao động thời vụ tăng thêm khoảng 20 người.
Điều đáng khích lệ là bà Hà đang rất tích cực hỗ trợ các hộ gia đình trên địa bàn xã Đại Thịnh phát triển sản xuất. Vào đầu mỗi vụ hoa, bà Hà hỗ trợ các hộ gia đình có nhu cầu về cây giống và vật tư nông nghiệp, sau thu hoạch, các hộ này mới phải hoàn trả. Điều này giúp nhiều hộ dân không có vốn hoặc thiếu vốn có điều kiện để sản xuất ban đầu.
Bên cạnh phát triển sản xuất, đóng góp vào ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm và hỗ trợ các hội viên nông dân, phụ nữ cải thiện thu thập, bà Hà và gia đình còn tích cực tham gia đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là công tác tu bổ các di tích đình, chùa trên địa bàn. Tổng số tiền đóng góp của gia đình bà đến nay ước tính gần 100 triệu đồng.
Hơn 20 năm kể từ cuộc gặp gỡ với cây hoa ở phường Tây Tựu, đến nay, bà Hà đã có được một cơ ngơi ít nông dân nào ở huyện Mê Linh sánh kịp. Giấc mơ hoa của bà sẽ còn tiếp diễn với kế hoạch mở rộng quy mô phòng nuôi cấy mô, tiến tới cung cấp cho thị trường những chủng hoa giống đa dạng và có chất lượng tốt hơn.
"Bà Hà là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Đặc biệt, phòng nuôi cấy mô của gia đình bà là mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tiên trong chọn tạo cây giống trên địa bàn. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất hoa là đòi hỏi cấp thiết hiện nay và địa phương sẽ nghiên cứu, tiến tới nhân rộng để tạo ra nhiều hơn những chủng cây giống hoa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường." - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô |