Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 20 năm triển khai điều trị HIV/AIDS, hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam đã được thiết lập và mở rộng để tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ.

Gian hàng của G-link Việt Nam tại hội nghị. Ảnh: Trần Thảo
Hơn 42.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT
Ngày 4/12, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, hiện cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống và lũy tích đến nay có trên 100.000 người tử vong do AIDS. Trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị ARV (tăng gần 280 lần so với năm 2004) thì Việt Nam đã chuyển đổi thành công hơn 42.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT tại 188 cơ sở điều trị. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Từ 3 - 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000 đến nay cả nước đã có 436 cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0, điều trị nhanh, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm - điều trị ARV, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan virus.
Sau 10 năm thành lập, hệ thống phòng khám Glink (phòng khám Thành Danh) trực thuộc DN xã hội Glink Việt Nam đến nay đã có 5 phòng khám chuyên cung cấp các dịch vụ như xét nghiệm HIV, dịch vụ dự phòng trước lây nhiễm (PrEP), dịch vụ dự phòng sau lây nhiễm (PEP) và điều trị ARV tư nhân; đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho 1.125 người. Nhóm đã phát hiện và kết nối xét nghiệm khẳng định cũng như điều trị ARV cho 127 ca nhiễm HIV mới, đạt 10,4% trên tổng số người được tiếp cận.
Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Từ năm 2012, việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. 9 tháng đầu năm 2019, có 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml máu) và gần 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu). Như vậy, tại Việt Nam có gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho bạn tình của họ.
Còn nhiều thách thức
Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua BHYT. Tuy nhiên, theo ông Eamonn Murphy - Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có thể còn nhiều thách thức trong việc tiếp tục mở rộng quy mô việc điều trị ARV vào BHYT, nhưng phải tiếp cận được những người cuối cùng để không ai bị bỏ lại phía sau.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020, kết thúc AIDS vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều thách thức. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Y Hà Nội, nếu không được can thiệp dự phòng thì trong số 100 người nam quan hệ tình dục đồng giới chưa nhiễm HIV thì sau một năm sẽ có 7 người chuyển nhiễm HIV. Do đó, song song với việc mở rộng điều trị thuốc ARV, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ… Hiệu quả dự phòng nhiễm HIV của PrEP nếu tuân thủ tốt lên đến từ 95 - 97%.