Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của DN và thị trường lao động. Khoảng trên 80% người học nghề tốt nghiệp có việc làm, trong đó 70% – 75% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.
Với những thông tin trên, Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân – Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả trên 70% số lao động có việc làm đúng ngành nghề đào tạo? Tỷ lệ lao động được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm bao nhiêu %? Tỷ lệ lao động trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm bao nhiêu %? Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới?
Về nội dung câu hỏi chất vấn của Đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có phản hồi: Báo cáo khảo sát DN năm 2020 của Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, trong 11 chỉ số đánh giá hạng mục năng lực theo yêu cầu của DN (điểm đánh giá mức độ đáp ứng/yêu cầu của DN), thì chỉ số về chuyên môn nghiệp vụ là 3,98/4,39; kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động 3,58/3,99 và kỹ năng giải quyết vấn đề 3,56/3,99 đều được DN đánh giá tương đối cao.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chất lượng của lực lượng lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp mặc dù chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu rất cao hiện nay nhưng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của DN. Thể hiện ở trong 20 nghề có mức thu nhập cao; ở trình độ sơ cấp là 7,1 – 9,25 triệu đồng/người/tháng; trình độ sơ trung cấp là 8,0 – 12,85 triệu đồng/người/tháng và trình độ cao đẳng là 9,25 – 18,5 triệu đồng/người/tháng.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, so với mức lương bình quân trên thị trường lao động hiện nay, mức tiền lương trên phản ánh hiệu quả của người lao động qua đào tạo ở cả 3 cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là khá tốt. Tùy theo môi trường làm việc và yêu cầu của từng DN cụ thể, người lao động theo từng trình độ đào tạo đều phát huy được năng lực, hiệu quả làm việc của mình và được thể hiện qua mức tiền lương.
Tuy nhiên, người lao động qua đào tạo vẫn cần phải cải thiện nhiều, nhất là trong các nhóm năng lực về chuyên môn nghiệp vụ và tư duy sáng tạo để đáp ứng nhu cầu DN.
Giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTB&XH đang chỉ đạo toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021.
Trong đó, đặc biệt chú trọng 2 nhóm giải pháp mang tính đột phá chiến lược là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp”.
Bộ LĐTB&XH cho biết, để phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2024 sẽ tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Cùng với đó là thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực và chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư. Cũng như, đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.