Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2010: Năm thắng lợi “vàng” của ngành du lịch Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định năm 2010 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế.

KTĐT - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định năm 2010 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế.

Du lịch Việt Nam đã đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu vào cuối năm 2010. Đây được coi là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành du lịch trong giai đoạn 2005-2010. Đồng thời khẳng định sức hấp dẫn, vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Đây cũng là một sự kiện nổi bật của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2010 - một năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Lần đầu đạt kỷ lục tăng trưởng cao

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định năm 2010 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế. Cụ thể là tăng trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với 34,8% so với năm 2009, là năm có lượng khách quốc tế đến cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Lượng khách quốc tế đến hàng tháng đều cao hơn những năm trước, đạt trung bình gần 420.000 lượt khách/tháng. Ngay từ những tháng đầu năm lượng khách đến đã gia tăng nhanh, trong quý 1 đã tăng 36,2% so với cùng kỳ 2009. Mùa hè vốn được coi là mùa thấp điểm khách du lịch quốc tế nhưng lượng khách trong 6 tháng đầu của năm vẫn tăng hơn 32%.

Bên cạnh lượng khách quốc tế đến kỷ lục, lượng khách nội địa cũng đạt tới con số ấn tượng là hơn 28 triệu lượt khách đi du lịch. Mùa thấp điểm với khách du lịch quốc tế thực sự là mùa cao điểm, thậm chí quá tải với du lịch nội địa…

Với doanh thu khoảng 96.000 tỷ đồng, đóng góp 5% GDP cả nước, tạo việc làm cho hơn 1,4 triệu lao động, năm 2010 ngành du lịch Việt Nam đã tiến thêm một bước, khẳng định vị thế của mình với nền kinh tế quốc dân.

Việt Nam hiện là điểm đến được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng, đặc biệt là đối với khách du lịch từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Australia. Đây là kết quả do Hiệp hội du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) và Công ty Visa International (Visa) công bố hồi giữa tháng 11/2011 sau khi thăm dò 7.000 người ở hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. ơng.

Năm 2000 Việt Nam đón được 2,1 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2008 đã có trên 4,2 triệu lượt khách đến Việt Nam. Mười năm trước, Việt Nam chỉ đón được lượng khách bằng 1/20 Philippines; bằng 1/40 các nước phát triển khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Đến nay, khoảng cách này đã được rút ngắn và Việt Nam đã vượt qua Philippines. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về lượng khách trên dưới 20%.

Việt Nam ngày càng khẳng định là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Đối tượng khách du lịch đến Việt Nam bao gồm hầu hết các thị trường nguồn lớn trên thế giới từ Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại dương cho đến các châu lục khác. Điều này chứng tỏ Việt Nam là một điểm du lịch có sức hấp dẫn, cuốn hút du khách trong và ngoài nước.

Du lịch phát triển đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 2001-2010 thu nhập du lịch đã tăng từ  trên 20.000 tỷ đồng lên khoảng 96.000n tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình là 16,7%/năm.

Hiện nay du lịch đóng góp khoảng 5% GDP, nếu duy trì được mức tăng trưởng thu nhập, tỷ lệ này sẽ cao hơn trong những năm tới. Đến nay, ngành du lịch đã tạo ra khoảng 430.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có tiềm năng du lịch như vùng rừng núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long...

Quyết liệt xúc tiến, quảng bá hình ảnh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng du lịch Việt Nam đạt được thành tích vượt bậc nêu trên một phần là nhờ ngành đã quyết liệt tiến hành công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh ở nhiều thị trường quốc tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, chương trình xúc tiến, quảng bá đều được tập trung vào các thị trường trọng điểm như Tây Âu, ASEAN, Đông Bắc Á, Trung Quốc…

Năm 2010, các chiến dịch quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam đã đi vào đúng trọng điểm cần xúc tiến, đạt hiệu quả thu hút khách. Nếu như trước đây việc xúc tiến chỉ tập trung với quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu thì năm nay đã tăng về quy mô, chất lượng.

Đi đôi với việc củng cố thị trường khách trọng điểm, tập trung khai thác các thị trường gần, thị trường tiềm năng, ngành du lịch còn tích cực xúc tiến, quảng bá tới các thị trường mục tiêu với tần suất cao, quy mô lớn.

Năm nay, Tổng cục Du lịch mời các doanh nghiệp du lịch trong nước cùng tham gia quảng bá, xúc tiến ở nước ngoài. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, được du khách quốc tế tin câỵ đều chủ động chuẩn bị tốt các nội dung tham gia xúc tiến, được đông đảo bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Các chiến dịch phát động thị trường để lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam và Du lịch Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, đồng thời mở ra những cơ hội vàng cho quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và doanh nghiệp du lịch các nước bạn.

Chiến dịch xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam trong năm qua cũng được mở rộng thêm nhiều đối tượng, trong đó có đông đảo bà con người Việt đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại 104 nước trên thế giới. Đây cũng là lượng khách tiềm năng mà du lịch Việt Nam đang hướng tới. Đồng thời đây cũng chính là những người quảng bá, xúc tiến hình ảnh Việt Nam tốt nhất đến với du khách quốc tế ở chính những nơi có người Việt Nam sinh sống…

Ngành du lịch cũng đã rất nhanh chóng đưa ra kế hoạch ứng phó kịp thời với giai đoạn du lịch gặp khó khăn, mùa thấp điểm thị trường khách quốc tế bằng chiến dịch kích cầu, giảm giá.

Năm 2009, du lịch Việt Nam đã thành công với chiến dịch khuyến mãi, giảm giá tour từ 10-50% mang tên “Ấn tượng Việt Nam,” góp phần đưa du lịch vượt qua khó khăn, hạn chế mức thấp nhất sự giảm sút số lượng khách quốc tế.

Năm 2010, lần đầu tiên toàn ngành du lịch phối hợp với một số ban ngành liên quan “bắt tay” thực hiện chiến dịch bán hàng giảm giá “Việt Nam - điểm đến của bạn” thu hút khách vào mùa thấp điểm.

Thêm vào đó, năm du lịch quốc gia 2010 diễn ra tại Hà Nội - nơi tâm điểm diễn ra các hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long cũng góp phần thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam.

Năm 2011, ngành du lịch đặt ra mục tiêu cơ bản là đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ từ 30-31 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu từ du lịch đạt 110.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành được mục tiêu này, ngành du lịch sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến hình ảnh tại các hội chợ du lịch lớn trong nước và quốc tế ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó là các hoạt động phát động thị trường, khảo sát sản phẩm du lịch ở nhiều nước trong khu vực và châu Âu, châu Mỹ…

Tổng cục du lịch cũng đang gấp rút xây dựng đề án khai thác phát triển thị trường khách tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nga.

Năm du lịch quốc gia 2011 sẽ diễn ra tại Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, tập trung vào du lịch biển đảo - vốn được coi là thế mạnh của du lịch Việt Nam./.