Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2022 là năm của nhà thông minh, xe điện và metaverse

D.Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường nhà thông minh - smarthome tại Việt Nam được đánh giá đang rộng mở với rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ, do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng cao.

Tại hội thảo ngành smarthome diễn ra sáng 27/4, Công ty cổ phần Lumi Việt Nam đã công bố báo cáo Vietnam Smarthome Report 2022. Đây được coi là báo cáo thị trường smarthome chuyên sâu đầu tiên được thực hiện bởi một công ty tại Việt Nam với quy mô hơn 10.000 đáp viên khắp cả nước.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lumi Việt Nam chia sẻ tại hội thảo
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lumi Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Dẫn nhận định của Tạp chí The New York Times, báo cáo của Lumi cho biết, 2022 là năm của nhà thông minh, xe điện và metaverse (vũ trụ không gian ảo). Trong đó nhà thông minh (smart home) được hiểu là ngôi nhà cho phép chủ nhân điều khiển bật/tắt hệ thống đèn điện, điều hòa, tivi, bình nóng lạnh, rèm cửa…, bằng smartphone và giọng nói. Dù ở nhà, ở cơ quan, hay đang đi du lịch, người dùng có thể kiểm soát ngôi nhà thông qua smartphone có kết nối internet

Qua khảo sát của doanh nghiệp này, ở mức độ nhận biết cơ bản, 80,5% số người tham gia khảo sát đã từng nghe tới khái niệm smarthome, tuy nhiên chỉ có 10,9% đã từng sử dụng trực tiếp. Theo đó thị trường smarthome đang rộng mở với rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng cao. Dự báo thị trường smarthome tại Việt Nam sẽ đạt 453,8 triệu USD vào năm 2026.

Khi được hỏi về lựa chọn giữa thương hiệu smarthome đến từ Việt Nam và nước ngoài với cùng mức giá, khảo sát của Lumi cho thấy người dùng ưu tiên các sản phẩm Việt. Cụ thể, có tới 64,75% (trong hơn 10.000 đáp viên khắp cả nước) lựa chọn thương hiệu Việt và chỉ 35,25% lựa chọn thương hiệu nước ngoài.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lumi Việt Nam thông tin thêm, Internet vạn vật (IoT) được biết đến là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, mạng không dây, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập, trao đổi dữ liệu với nhau. Nhờ IoT, các thiết bị được kết nối với nhau giúp chúng trở nên thông minh hơn nhờ khả năng gửi và/hoặc nhận thông tin và tự động hoạt động dựa trên các thông tin đó.

Thực tế Lumi đã triển khai xây dựng các giải pháp IoT/Smarthome này từ 10 năm trước và đang nỗ lực để tận dụng được tối đa những lợi ích mà IoT nói chung và đặc biệt là smarthome nói riêng để phục vụ khách hàng.

Khách hàng trải nghiệm các giải pháp IoT/Smarthome bên lề hội thảo
Khách hàng trải nghiệm các giải pháp IoT/Smarthome bên lề hội thảo

Về xu hướng thiết bị, 2022 được dự báo tập trung vào giải pháp an ninh; thiết bị gia dụng thông minh với sự hỗ trợ của trợ lý ảo bằng giọng nói như Alexa, Siri và Google Assistant; hệ thống quản lý năng lượng; cảm biến chuyển động; hệ thống chăm sóc sức khỏe; robot trợ lý; đèn thông minh, điện lưới thông minh; các tính năng tự điều chỉnh và trí thông minh nhân tạo.

Trong năm 2022, các “ông lớn” về smarthome là Apple, Samsung, Google và Amazon sẽ có những đột phá khiến ngôi nhà thông minh trở nên ngày càng thiết thực. Đó sẽ là lúc các thiết bị có thể “giao tiếp” với nhau và phối hợp tạo nên tiện ích cho gia chủ, như đồng hồ báo thức ra lệnh cho đèn bật sáng khi chủ nhân thức dậy. Giao thức Matter được dự báo sẽ là giao thức tiêu chuẩn, cho phép các thiết bị “trò chuyện” với nhau mà không cần đến trợ lý ảo haysmartphone. Hơn 100 sản phẩm thiết bị thông minh được kỳ vọng sẽ theo tiêu chuẩn này trong vài năm tới.

Khảo sát của Lumi cũng chỉ ra, với 56 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, Việt Nam được dự báo tăng từ vị trí thứ 26 hiện nay lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 nền kinh tế có dân số trung lưu lớn nhất. Việt Nam cũng nằm trong số năm quốc gia dẫn đầu ở châu Á với sự gia tăng rất lớn trong dân số trung lưu của họ, với hàng chục triệu người, vào năm 2030. Do đó môi trường kinh doanh ngành smarthome tại Việt Nam đang trong giai đoạn “nóng”. Cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn với rất nhiều thương hiệu ngoại đến từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc.

Cũng tại sự kiện Công ty cổ phần Lumi Việt Nam chính thức công bố tái định vị thương hiệu. Ông Nguyễn Đức Tài - CEO Lumi cho biết, việc tái định vị thương hiệu để phù hợp hơn với khách hàng hiện đại, đồng nhất với chiến lược phát triển mới, nâng tầm sứ mệnh mới trong nhịp sống người Việt. Tầm nhìn trong 10 năm tới, Lumi hướng tới hàng trăm nghìn ngôi nhà Việt sử dụng sản phẩm IoT, giải pháp Make in Vietnam. Đồng thời, Lumi vẫn tiếp tục duy trì sứ mệnh là cái nôi nghiên cứu phát triển và đào tạo ra hàng vạn kỹ sư IoT.

''Trải qua một thập kỷ phát triển, với vị thế thương hiệu hàng đầu trong ngành Smarthome tại Việt Nam, Lumi vẫn luôn kiên định với những giá trị cốt lõi mang đến cho khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết", ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.

 

3 lợi ích quan trọng nhất của nhà thông minh, đó là: Tiện lợi - các thiết bị có thể được điều khiển từ xa và ở bất kỳ thời điểm nào; An toàn - smarthome đem lại cảm giác an toàn với hệ thống camera giám sát, cảnh báo xâm nhập bất thường, cảm biến khói, nước để kịp thời thông báo khi xảy ra sự cố; Tiết kiệm thời gian - giúp người dùng tiết kiệm thời gian làm việc nhà, thay vào đó có thể tập trung làm việc hoặc nghỉ ngơi.