Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2023 - năm “thanh lọc” của startup Việt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn vốn rót cho các startup Việt được dự báo sẽ tiếp đà giảm trong năm 2023, tương tự như với một năm trước đó. Nhưng điều này cũng mở ra cơ hội cho các srtatup phát triển bền vững thay vì “ăn xổi” trong ngắn hạn.

Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết
Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết

Qua thời rót tiền ồ ạt

Có thể nói, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng khởi nghiệp của Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Nếu như trong năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các startup Việt đạt con số kỷ lục là hơn 1,4 tỷ USD thì sang năm 2022 con số này giảm tới 40% khi chỉ còn ở mức 855 triệu USD. Về mức đầu tư cho các thương vụ cụ thể, nếu năm 2021, có thể dễ dàng điểm mặt các startup nhận hơn 100 triệu USD như VNLife (250 triệu USD), Momo (200 triệu USD) hay Sky Mavis (152 triệu USD) thì sang năm 2022 mọi thứ đã khiêm tốn hơn nhiều.

Cụ thể, chỉ có duy nhất 1 startup Việt là Sky Mavis nhận được 150 triệu USD đầu tư. Tuy nhiên thương vụ này cũng như các thương vụ khác có trị giá từ 50 - 70 triệu USD được công bố trong 6 tháng đầu năm 2022 hầu hết đều được bắt đầu từ 2021. Bởi tính từ thời điểm chốt đầu tư cho đến lúc rót tiền đối với các startup thường mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Do vậy, nếu tính chính xác ra, tổng số vốn các startup Việt nhận được trong năm 2022 còn thấp hơn con số hơn 855 triệu USD trên. Ở các hạn mức đầu tư cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Trong năm 2022, số thương vụ có giá trị lớn hơn 50 triệu USD đã giảm tới 55%. Thương vụ trong khoảng 500.000 - 3 triệu USD giảm 20%. Thậm chí các thương vụ tại vòng hạt giống với số tiền nhỏ hơn 5.000 USD cũng giảm tới 19%.

Lý giải về nguyên nhân của sự sụt giảm nói trên, CEO Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, chủ yếu đến từ các yếu tố vĩ mô chứ không phải startup Việt đã đến giai đoạn thoái trào. Theo đó, việc lãi suất ngân hàng tăng, lạm phát tăng, cộng với tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động mạnh tới các nguồn vốn giành cho startup. Hiện các nhà đầu tư đang giảm dần dòng tiền cho hoạt động đầu tư mạo hiểm nhằm hạn chế rủi ro trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tiêu chí rót vốn đầu tư cũng đã có sự thay đổi.

Thay vì chỉ tập trung đổ tiền cho các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh thì nay các nhà đầu tư lại dồn sự chú ý cho các dự án có khả năng tăng trưởng bền vững. Những startup có đầu tư bài bản, theo từng giai đoạn và hướng tới mô hình lâu dài sẽ có khả năng lớn nhận được đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ.

Đưa ra dự đoán về tình hình trong năm 2023, CEO Dong A Solutions Trần Bằng Việt cho rằng, nguồn tiền từ các quỹ đầu tư đổ vào startup Việt trong năm 2023 sẽ chậm lại. Bởi startup luôn gắn liền với kinh tế vĩ mô, nên khi kinh tế đang suy thoái thì nguồn vốn chắc chắn sẽ phải giảm. Lúc này các startup có hiệu quả hoạt động bền vững sẽ được chú ý hơn.

“Tình hình chung trên thế giới hiện nay là cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đang giảm tốc, kết hợp với lãi suất ngân hàng tăng mạnh đã khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý giữ tiền mặt hơn là mang đi đầu tư. Điều này sẽ khiến nguồn vốn đổ vào các startup ở dạng tiềm năng, vốn chiếm số đông ở Việt Nam, giảm đi rất mạnh”- ông Trần Bằng Việt phân tích.

Giảm tốc cần thiết

2023 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ là quãng thời gian khó khăn với các
startup Việt, không chỉ số lượng tiền đầu tư bị giảm đi, các thương vụ lớn khó được xác lập cũng như điều kiện gọi vốn sẽ khó khăn hơn so với các năm trước. Tuy nhiên sự “giảm tốc” này lại được cho là cần thiết với các dự án khởi nghiệp trong nước.

Theo CEO Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy, 2023 là cơ hội để startup Việt điều chỉnh lại hướng đi của mình theo hướng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Thay vì tiêu tốn nhân lực, tài chính để tăng trưởng thần tốc thì các startup có thể quay sang tập trung nhiều hơn nữa vào sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Giai đoạn sắp tới, doanh thu ngắn hạn sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư. Thay vào đó một startup sẽ phải có mô hình hoạt động bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng trong dài hạn. Do đó có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như chi phí vận hành phải được tối ưu, lợi nhuận bền vững trong tương lai ra sao… Việc gọi được vốn ồ ạt như 2021 về lâu dài không phải thực sự chỉ toàn điều tốt cho môi trường khởi nghiệp của Việt Nam. Gọi vốn dễ cũng mang lại nhiều hệ quả tiêu cực.

“Tiền về càng nhanh, các startup phải tăng trưởng về doanh thu cũng phải càng nhanh. Khi đó nhiều startup sẽ phải chọn cách tăng trưởng không bền vững như chi phần lớn số tiền được đầu tư cho quảng cáo thay vì tập trung vào sản phẩm. Điều này đã khiến nhiều startup phá sản chỉ ít lâu sau khi nhận được đầu tư”- bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ.

Có đồng quan điểm, Giám đốc quỹ ThinkZone Ventures Lê Huỳnh Kim Ngân cho rằng, 2023 các yếu tố tinh gọn và hiệu quả sẽ là những tiêu chí hàng đầu để đánh giá về startup, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế như ở thời điểm hiện tại.

Các nhà đầu tư cũng đã có cái nhìn khắt khe hơn về các startup mà mình sẽ đầu tư. Sự hào nhoáng về tài chính trong ngắn hạn đã bị thay thế bằng sự phát triển bền vững. Bài học này đã được rút ra từ các startup tiền mã hóa, dù nhận được nguồn vốn lớn nhưng đã mau chóng sụp đổ do năng lực quản lý yếu kém, tầm nhìn hạn chế hoặc thậm chí là cả thiếu đạo đức trong kinh doanh.

 

Lĩnh vực sẽ thu hút đầu tư trong năm 2023 sẽ là tài chính và giáo dục. Bất chấp thị trường có nhiều biến động nhưng dòng vốn rót vào các startup thuộc các lĩnh vực này vẫn khá ổn định. Bên cạnh đó an ninh mạng và Internet vạn vật cũng đang dần thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư, dự đoán đây sẽ là 2 lĩnh vực “hot” trong thời gian tới.

Giám đốc quỹ ThinkZone Ventures Lê Huỳnh Kim Ngân