Tại Thuyết minh Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trục không gian sông Hồng được xác định là trục không gian đặc biệt đa chức năng, không gian biểu tượng, giá trị, nhiều ý nghĩa. Các chức năng chính của trục không gian sông Hồng gồm: trục không gian xanh trung tâm của Thủ đô; trục không gian trung tâm kết nối văn hóa, giao tiếp xã hội, nghệ thuật sáng tạo; trục không gian trọng tâm về kinh tế thương mại dịch vụ; trục không gian biểu tượng của TP Hà Nội.
Ngoài 18 cầu vượt đã quy hoạch, TP sẽ xây dựng 2 tuyến đường ven sông, nhiều tuyến đường kết nối từ đô thị tới sông Hồng; cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, ký thuật, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử. Kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng, tạo lập hình ảnh Thủ đô hai bên sông gắn với các trung tâm văn hoá, thương mại, tài chính, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, công trình biểu tượng…
Trong đó, cầu Long Biên sẽ được cải tạo nguyên trạng ban đầu, dừng khai thác cơ giới và chuyển thành không gian đi bộ, biểu diễn, triển lãm, tổ chức sự kiện văn hóa, công trình kiến trúc điển hình thời kỳ mới của Hà Nội…
Mới đây, sau khi rà soát Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Cụ thể gồm: cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc – Quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối tả, hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chia sẻ: “Bất kỳ lúc nào có điều kiện Hà Nội hãy đầu tư xây dựng thêm cầu vượt sông Hồng, để khớp nối hệ thống giao thông, tạo ra sự phát triển đồng đều giữa hai bờ Nam - Bắc về kinh tế xã hội và văn hóa. Thêm cầu vượt sông là thêm cơ hội cho sự phát triển của khu vực đô thị ven sông Hồng”.
Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình đầu tư TP phải xác định được một danh mục ưu tiên, cầu nào cần làm trước, cầu nào có thể để lại sau. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội chia sẻ, các huyện thuộc khu vực Tây Nam của TP như: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà... tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hoá ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông trong khu vực chủ yếu trông cậy vào một số tuyến đường tỉnh, đường huyện xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Kết nối giao thông qua sông Hồng chủ yếu tập trung theo hướng cầu Thăng Long đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai và theo cầu Vĩnh Thịnh đi Quốc lộ 2C. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cầu Vân Phúc trên địa phận xã Vân Phúc huyện Phúc Thọ để tăng cường kết nối đường trục Bắc - Nam với đường Vành đai 5 tỉnh Vĩnh Phúc.
Cầu Thượng Cát nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội. Với cầu Thượng Cát, Vành đai 3,5 sẽ góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho Vành đai 3 trong tương lai; tạo “trục lõi” để phát triển đô thị phía Tây Hà Nội; mở ra hướng phát triển mới cho đô thị hoá, công nghiệp hoá trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức; quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm...
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, không chỉ 18 cây cầu theo quy hoạch và 4 cây cầu mới được đề xuất, Hà Nội cần liên tục nghiên cứu, có sự điều chỉnh, bổ sung thêm cầu vượt sông Hồng, bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ và những biến thiên của thời cuộc. “Tương lai khi chuỗi đô thị ven sông Hồng thành hình, sẽ có thể cần thêm nhiều hơn 22 cây cầu mới đáp ứng được nhu cầu thực tế” - Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.