Ông Đình Hài – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết: “Festival Di sản Quảng Nam lần thứ XI sẽ khai mạc lúc 9 giờ ngày 9/6 tại bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) và bế mạc lúc 20 giờ ngày 16/6 tại TP Hội An. Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 có 22 sự kiện khá đặc sắc”. Trong đó có 13 hoạt động lớn diễn ra trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam như: Hội thi hợp xướng quốc tế diễn ra từ ngày 7 đến mùng 10/6 tại Hội An với sự tham gia của 32 đoàn hợp xướng trong đó có 24 đoàn quốc tế; cùng 1500 nghệ sĩ đến từ 15 quốc gia như: Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia…
Festival diều quốc tế diễn ra từ 8 đến 11/6 tại phường Cẩm An (TP Hội An) và bãi biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ) có 90 nghệ nhân trong nước và 28 nghệ nhân đến từ 12 quốc gia biểu diễn khoảng 3000 con diều truyền thống và hiện đại.
Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới diễn ra từ 12 đến 13/6 với sự tham gia của Hiệp hội tơ lụa các nước: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Thái Lan… Hiệp hội tơ lụa châu Á, Hiệp hội tơ lụa thế giới cùng 20 làng nghề trong nước. Giải lướt ván buồm vô địch thế giới và đua thuyền Việt Nam mở rộng với 200 vận động viên từ 30 quốc gia tham dự. Từ 11 đến 14/6 Liên hoan ẩm thực quốc tế diễn ra từ 12 đến 14/6 với sự tham gia của các đầu bếp trong nước và các đầu bếp của 10 quốc gia. Triển lãm di sản văn hóa biển đảo Việt Nam tổ chức từ ngày 9 đến 14/6.
Liên hoan hát bài Chòi các tỉnh miền Trung Việt Nam và trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với sự tham gia của 19 tỉnh TP. Ngoài ra còn rất nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao khác như: Lễ hội sâm núi Ngọc Linh; Trình diễn nghi thức dựng cây niêu các dân tộc Việt Nam; Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch; Hội chợ Festival Di sản Quảng Nam 2017…
Điểm nhấn là triển lãm Di sản văn hóa biển đảo Việt Nam trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017. Triển lãm được tổ chức tại quảng trường Tam Thanh từ ngày 9 đến 16/6 bao gồm 2 nội dung trưng bày chính: Khu vực triển lãm chung “Di sản văn hóa biển đảo Việt Nam” sẽ cho thấy một bức tranh tổng quát về biển đảo Việt Nam từ giai đoạn lịch sử trước cho đến hiện nay với khu vực trưng bày tư liệu, hiện vật, bản đồ cổ, tư liệu Hán Nôm về Hoàng Sa và Trường Sa Việt Nam. Trưng bày 19 châu bản triều Nguyễn có nội dung về chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tại đây cũng giới thiệu về 150 hiện vật về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, hiện vật trang phục, lễ hội cư dân vùng biển của các Bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân. Triển lãm sẽ giới thiệu hiện vật về nội dung bảo vệ vững chắc biển đảo Việt Nam với 100 hình ảnh thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam qua các giai đoạn. Triển lãm cũng giới thiệu nét văn hóa của biển đảo Việt Nam trong lòng các dân tộc và bạn bè quốc tế thông qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về biển đảo. Tại khu trưng bày thường xuyên chiếu các phim tư liệu về biển đảo.
Ngoài khu vực trưng bày chung còn có khu vực chung bày riêng của 16 tỉnh thành với tên gọi: Không gian “Sắc màu di sản văn hóa – Du lịch biển đảo” sẽ giới thiệu các nét văn hóa du lịch biển đảo. Quảng Nam giới thiệu Cù Lao Chàm, Hội An, Tam Thanh. Đà Nẵng giới thiệu trưng bày di sản văn hóa du lịch biển đảo Hoàng Sa, Quảng Trị giới thiệu Cồn Cỏ, Khánh Hòa giới thiệu Trường Sa…
Đây là lần thứ 6 tỉnh Quảng Nam tổ chức Festival Di sản giới thiệu nét văn hóa, di sản độc đáo. Đây là sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao, kinh tế tổ chức thường niên với quy mô ngày càng lớn, và có xu hướng được quốc tế hóa các sự kiện trong phần nội dung của Festival.