24,9% trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tổng hội Y học Việt Nam, tạp chí Sức khỏe cộng đồng tổ chức chương trình “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.

 
24,9% trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Ảnh minh họa.
Cho trẻ em uống vitaminA. Ảnh minh họa.
Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 mà Thủ tướng Chính Phủ đã ký trước đó.

Đề cập đến vấn đề suy dưỡng thấp còi của trẻ em hiện nay ở Việt Nam, TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, vẫn còn 24,9% trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Trung bình ở các vùng miền, cứ 4 trẻ có 1 trẻ bị suy dưỡng thấp còi. Riêng tại vùng núi cao, do công tác chăm sóc sức khỏe còn gặp rất nhiều khó khăn nên cứ 10 trẻ thì có tới 4,5 trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi. Vấn đề này là một thách thức với nước ta trong việc nâng cao và phát triển thể lực, tầm vóc người Việt. 

Tại chương trình, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các đơn vị, DN tham gia tích cực vào các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được Ban tổ chức khen thưởng và tặng quà.

Cũng trong sáng 14/8, hội thảo về chủ đề Chung tay vì sức khỏe cộng đồng đã được diễn ra. Tại hội thảo, những kiến thức mới trong vấn đề tự chăm sóc sức khỏe tại gia đình đã được đề cập đến như: Phải xây dựng bằng được chính sách bảo hiểm y tế toàn dân đảm bảo cho tất cả mọi tầng lớp Nhân dân được khám chữa bệnh công bằng và bình đẳng, thiết lập hệ thống bác sĩ gia đình từ làng, xã, khu phố trở lên. 

Cụ thể, một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm lâm sàng được phụ trách từ 10 đến 20 hộ dân (tương đương khoảng 100 người). Sẽ có hồ sơ theo dõi từ mới sinh cho đến tuổi già đối với các thành viên được theo dõi. Nguồn thu nhập của bác sĩ do các gia đình đóng góp. Nếu một thành viên trong gia đình gửi lên tuyến huyện bị phát hiện là đến muộn thì người bác sĩ gia đình phải ra tòa. 

Tuy nhiên, việc tham gia thiết lập hệ thống gia đình là sự tự nguyện của cộng đồng. Bên cạnh đó, các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe cũng đưa ra những lời khuyên nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt, giảm suy dinh dưỡng, thấp còi như tạo thói quen tập thể dục ngày từ lúc còn bé, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các vitamin và khoảng chất như sắt, vitamin A, kẽm, bổ sung đa vi chất cho trẻ, tạo dựng môi trường sống trong lành, không ô nhiễm.

TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã khẳng định tại hội thảo, phát triển thể lực và tầm vóc của người Việt không chỉ là việc của các nhà quản lý, các cấp ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà cần cả sự nỗ lực và chung tay của cả cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần