Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

258 dự án của Việt Nam được cấp phép đầu tư tại Lào

Chia sẻ Zalo

Sáng nay (27/3), tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam - Lào tổ chức “Hội nghị...

Sáng nay (27/3), tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam - Lào tổ chức “Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần thứ 2 năm 2016”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavath; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hai nước chủ trì hội nghị.

Trong 5 năm qua (2011 - 2015), luồng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào Lào liên tục tăng cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. Đến nay, Việt Nam có 258 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp phép đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, trong đó hơn 41% tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án được giải ngân, triển khai thực hiện.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần thứ 2 năm 2016.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần thứ 2 năm 2016.
Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư vào Lào và Lào là quốc gia đứng đầu trong tổng số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.

Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Viêt Nam và Lào liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 20%; lương khách du lịch tăng trưởng hàng năm giữa 2 nước gần 24%.

Nhiều Hiệp định khung đã được ký kết và phát huy, đặc biệt là hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào, giai đoạn 2016-2020 và Hiệp định Thương mại biên giới. Cơ chế chính sách đã dần chuyển động theo hướng đi sát vào cuộc sống, cải cách thủ tục hành chính một cửa một lần dừng tạo thuận lợi, tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để hợp tác đầu tư giữa hai nước đạt hiệu quả hơn, nhất là chậm triển khai dự án kết nối giao thông hai nước; việc phân bổ vốn đầu tư  FDI của Việt Nam vào Lào chưa đồng đều; thủ tục cấp phép đầu tư qua lại biên giới của hai bên còn rườm rà.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Lào nhấn mạnh: "Hội nghị bàn về nhu cầu hợp tác đầu tư và định hướng đầu tư thời gian đến là gì? Coi đầu tư của Việt Nam và Lào là đầu tư cho ta, coi bạn là ta, coi ta là bạn. Coi thành công của doanh nghiệp Việt Nam chính là thành công của Lào và thành công của Chính phủ Việt Nam và ngược lại".

Theo Phó Thủ tướng, đặc biệt cần tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Việt Nam ở Lào và doanh nghiệp Lào ở Việt Nam. Thực hiện chủ trương của hai Bộ Chính trị, hướng vào đầu tư danh mục những công trình có hiệu quả, kể cả vốn ODA, FDI vào những vùng khó khăn của Lào.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng đã hỗ trợ gần 70 triệu USD hỗ để  xóa đói giảm nghèo và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại Lào. Kết quả hợp tác kinh tế của 2 quốc gia đã góp phần tăng thu ngân sách cho Lào 250 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 35.000 lao động.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính  phủ Lào Somsavat Lengsavath, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào - Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cả Việt Nam và Lào phối hợp nhau để đầu tư vào những dự án có đem  lại lợi ích thiết thân cho nhân dân. Các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, thắt chặt  mối tình đoàn kết Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.