3 cây cầu mới bắc qua sông Hồng
Mới đây, phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2/2025 diễn ra để xem xét một số nội dung trình kỳ họp HĐND TP Hà Nội và theo chương trình công tác năm 2025 của UBND TP, tiến hành xem xét thông qua tờ trình của UBND TP trình HĐND TP đối với 3 dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa; Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

Theo các chuyên gia, những cây cầu này sẽ tạo ra không gian rất lớn để phát triển cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Trong lịch sử phát triển Hà Nội, sông Hồng có vị trí quan trọng, việc khai thác 2 bên sông Hồng đã được đề cập đến trong suốt thời gian dài vừa qua. Điểm mở đầu, đột phá để khai thác 2 bên sông Hồng được thuận lợi là việc xây dựng cầu Long Biên năm 1889 – 1901. Sau đó, chúng ta đã triển khai nhiều cây cầu khác để khai thác lợi thế 2 bên sông Hồng. Đặc biệt, việc xây dựng cầu không chỉ để khai thác, tổ chức giao thông mà còn giúp tổ chức đường thuỷ, khai thác bãi giữa và bãi 2 bên sông”.
Từ sau quy hoạch năm 1998, Hà Nội bắt đầu phát triển mạnh sang phía Bắc sông Hồng, dấu mốc thể hiện điều này là việc hình thành quận Long Biên. Qua đó tạo nên sự hài hòa, cân bằng giữa hai bên, điển hình như việc hình thành quận Long Biên phía Bắc sông Hồng.
Các chuyển gia khẳng định, mỗi cây cầu qua sông Hồng còn là dấu ấn của một thời điểm, giai đoạn nhất định, đồng thời có ý nghĩa về văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
Ví dụ cầu Long Biên – cây cầu đầu tiên qua sông Hồng, thể hiện ý chí kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cầu xây dựng đến nay có thể coi là di sản, dấu ấn kết cấu thép. Trên thế giới hiện nay chỉ có 4 loại công trình kết cấu thép, trong đó có cầu Long Biên được xem là di sản để lại từ đầu thế kỷ XIX.
Động lực, tạo đột phá phát triển Thủ đô
Sau cầu Long Biên, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu khác qua sông Hồng và đều mang ý nghĩa văn hoá, góp phần phát triển kinh tế xã hội. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ: “Cầu Thăng Long có thể xem biểu tượng của XHCN được Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ hoàn thành. Cầu Chương Dương thể hiện ý chí, trí tuệ nội lực của dân tộc Việt Nam. Cầu Vĩnh Tuy, chúng ta hoàn thành 2005 thể hiện nội lực của chúng ta, kết nối dữa trung tâm TP Hà Nội và phía Bắc sông Hồng. Sau đó là cầu Thanh Trì, Nhật Tân là biểu tượng trong thời kỳ hội nhập.

Việc đặt ra những cây cầu không phải bây giờ mới có mà từ giai đoạn trước như trong quy hoạch của Pháp 1924 và 1943 đặt ra 1 số cây cầu nhưng chưa thực hiện được. Trong đó, chúng ta đã nghiên cứu kế thừa để làm như cầu Trần Hưng Đạo.”
Theo các chuyên gia, việc có thêm các cây cầu qua sông Hồng đã kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC2011), Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông, biểu trưng văn hoá và đặc biệt phát triển kinh tế, xã hội cho Hà Nội và mối qua hệ giữa Hà Nội và các vùng, trong đó có Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; tạo động lực, đột phá, phát triển kinh tế 2 bờ sông, để thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm.