3 giải pháp để xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh, bền vững

PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Trưởng Bộ môn Nhà ở, Đại học Kiến trúc Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã công bố mục tiêu xây dựng 30 TP thông minh trên cả nước, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 3 thành phố thông minh đầu tiên. Đó cũng là cách để tránh các con đường công nghiệp hóa nhanh chóng và ô nhiễm như đã xảy ra tại một số đô thị của châu Âu và Mỹ.

Tiếp cận đồng bộ
Mặc dù có một số hạn chế trong phát triển kinh tế so với các nước tiên tiến, Chính phủ và TP Hà Nội vẫn tin rằng, việc phát triển theo hướng thành phố thông minh là khả thi nếu giải quyết tốt các vấn đề như có được một nguồn đầu tư đủ lớn, đào tạo và đào tạo lại trong lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông (ICT), đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự tham gia của ICT vào công tác điều hành của chính quyền đô thị, các tổ chức và người dân, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của xã hội thông tin.
 Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là lá phổi xanh mà còn được ví như lẵng hoa của Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu dân, mật độ dân số trung bình lên đến hơn 2.279 người/km2, có những quận trung tâm, mật độ lên đến 42.000 người/km2, mật độ dân số tương đương một siêu đô thị. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...
Ngoài một số khu vực ngoài Vành đai 2 được xây dựng với hạ tầng tương đối đồng bộ, hầu hết các khu vực trong 4 quận nội đô lịch sử hạ tầng kỹ thuật được xây dựng từ rất lâu cho một quy mô dân số hạn chế. Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững để quản lý hiệu quả, cũng như mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân đang ngày một trở lên cấp thiết. Do đó, với Hà Nội, để có một lộ trình hợp lý trở thành đô thị thông minh cần tính tới điều kiện thực tiễn, các yêu cầu của phát triển bền vững, trên cơ sở nghiên cứu và tìm hiểu kỹ các kinh nghiệm quốc tế.
Đảm bảo sức khỏe cho đô thị phát triển bền vững
Hà Nội có lợi thế dân số tương đối trẻ so với các đô thị khác của châu Á, khả năng tiếp cận về công nghệ, sẵn sàng đóng góp một vai trò quan trọng trong tương lai nhằm xây dựng một đô thị theo hướng thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh. Định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại với những điểm nhấn thể hiện chiều sâu của văn hóa, lịch sử và ký ức đô thị, đồng thời bắt kịp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập với thế giới là một nhiệm vụ tương đối nhiều thách thức.
Trên thực tế, Hà Nội đang bị chi phối bởi sự phát triển gia tăng thị trường bất động sản phức tạp, với sự xuất hiện các khu chung cư cao tầng tiếp cận bên trong Vành đai 2 và sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Với các nhà đầu tư bất động sản, có thể đó là sự đầu tư thông minh trên khía cạnh kinh doanh, nhưng không thông minh nếu xét trên phương diện phát triển một đô thị bền vững. Ngoài ra, sự gia tăng về số lượng các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là các phương tiện giao thông cá nhân sẽ khiến bài toán về ùn tắc giao thông phức tạp hơn rất nhiều. Chính quyền TP nên hướng tới bản chất của thành phố thông minh, đó là việc cân đối quyền lợi của cộng đồng với mục tiêu chung của TP trên nền của việc sử dụng cơ sở hạ tầng ICT.
Mục đích cuối cùng, để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển đồng bộ về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Những nội dung này liên quan trực tiếp đến việc tối ưu hóa các dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ kinh doanh, nhà ở và các loại hình dịch vụ công cộng khác. Bên cạnh đó, đòi hỏi chính quyền TP phải kiểm soát tốt việc tiết kiệm tài nguyên đô thị, là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo quá trình phát triển đô thị bền vững. Hệ thống ICT cần được coi là công cụ mạnh, giúp cho những nhà quản lý có được cái nhìn tổng quan trước khi đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đô thị.
Hệ thống ICT quyết định sự thành công của tiến trình hình thành một đô thị thông minh, được hình thành trên nền tảng của sự tương tác giữa các hệ thống nhánh trong từng lĩnh vực quản lý chuyên biệt của TP, nhằm tạo ra hệ sinh thái bên trong đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các dịch vụ công đô thị. Sự lan truyền nhanh chóng của công nghệ viễn thông cho phép tích hợp, phân tích và sử dụng dữ liệu các cư dân đô thị trong mọi lĩnh vực đời sống hàng ngày, phục vụ cho công tác dự báo quy hoạch phát triển đô thị.
Vấn đề được đặt ra, là phải có công cụ lọc hữu hiệu các thông tin được hình thành không ngừng, phát triển theo cấp số nhân với tốc độ phát triển chung của đô thị. Những dữ liệu này cần được minh bạch, chính xác mới đảm bảo tính khả thi cho các hoạch định phát triển, cũng như cho sức khỏe của đô thị phát triển theo hướng bền vững.
Quản lý thông minh
Nói về thành phố thông minh để chỉ các TP được tối ưu hóa và cân bằng hóa quá trình vận hành thông qua hệ thống ICT. Điều này không có nghĩa là các TP khác là không “thông minh”.
Khái niệm đó chỉ để đề cập những TP thông qua công tác quản lý nhằm nỗ lực phối hợp giữa các bộ phận cấu thành để cải thiện cuộc sống của người dân như nâng cao hiệu quả của các loại hình dịch vụ công cộng, phản ứng kịp thời với các trường hợp khẩn cấp, thiên tai, có khả năng ứng biến nhanh khắp mọi nơi thuộc ranh giới nội tại thuộc đô thị, để truy cập và xử lý thông tin kịp thời.
Các đô thị châu Á như Singapore, Tokyo, Sroul hoặc một số TP lớn của Trung Quốc đã khá “thông minh”, nhờ vào các chính sách đầu tư và quản lý đầu tư cho các giải pháp về giao thông đô thị bao gồm giao thông tĩnh, giao thông cơ giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị khác. Xu hướng kết nối các thiết bị cầm tay, hệ thống CCTV với công nghệ V2X sẽ là nhân tố thúc đẩy tiến trình xây dựng, vận hành và quản lý đô thị thông minh.
Hà Nội nói riêng và các đô thị của Việt Nam nói chung cần có một cách tiếp cận đồng bộ, hoàn chỉnh cho mục tiêu đô thị thông minh. Có thể thời gian để đạt được danh hiệu đô thị thông minh sẽ chậm hơn, nhưng việc xây dựng chiến lược phát triển nhằm đảm bảo khả năng phát triển bền vững phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương là hướng cần được ưu tiên.
Chính quyền TP cần có các giải pháp tuyên truyền cho người dân, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Muốn vậy, cần có các giải pháp đồng bộ kết nối hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai, tàu điện trên cao, xe buýt... để tạo được sự thuận tiện và tin tưởng cần thiết với người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần