Làng nghề vật liệu truyền thống giữa “bão” công nghệ xanh
Kinhtedothi - Là một phần không thể thiếu trong dòng chảy phát triển đô thị, các làng nghề vật liệu xây dựng (VLXD) truyền thống ở Hà Nội từng đóng vai trò quan trọng trong cung ứng gạch ngói, vôi vữa và các sản phẩm thủ công phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, trước làn sóng công nghệ xanh và yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, các làng nghề này đang phải đứng trước lựa chọn đổi mới hoặc bị đào thải.
Đối mặt chuyển đổi công nghệ
Số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có gần 330 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Qua đó, đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô làng nghề, làng có nghề. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản phẩm gạch, ngói sứ Bát Tràng. Ảnh: Hải Long
Trong đó có hàng chục làng nghề hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD như gốm sứ, ngói, gạch thủ công, đá mỹ nghệ… như làng gốm Bát Tràng đã tồn tại hàng trăm năm, nổi tiếng với các sản phẩm gạch, ngói, và đồ gốm sứ đa dạng, mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, còn có các làng nghề khác như làng nghề mộc ở một số địa phương như xã Ô Diên, xã Vạn Nhất tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm gỗ, như cửa, cột, kèo, và các đồ dùng khác trong xây dựng...
Tuy nhiên, năng lực cung ứng, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ cho các làng nghề còn hạn chế và phụ thuộc vào các tỉnh. Quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ, xen kẽ trong khu dân cư, năng lực tài chính hạn chế. Cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có trình độ sử dụng công nghệ…
Tại làng Bát Tràng (xã Bát Tràng) vốn nổi danh với nghề gốm sứ, nhiều hộ đã dừng hoạt động sản xuất vì chi phí đầu tư hệ thống xử lý khí thải và thay thế lò nung truyền thống quá cao. Những hộ còn duy trì được là nhờ sớm sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường chung quanh, giảm tiêu hao năng lượng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiềm lực để đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường gốm thủ công đang bị cạnh tranh bởi hàng công nghiệp giá rẻ. Ông Trần Văn Khoa – chủ một xưởng gốm tại Bát Tràng cho biết, việc đầu tư công nghệ hiện đại cũng giúp hạ giá thành sản phẩm từ 15 - 30%; độ chính xác sản xuất đạt hơn 85%; tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng đã giảm đáng kể và kiểu dáng của sản phẩm cũng đa dạng hơn. “Chuyển sang công nghệ sạch giúp giảm khói bụi và tiết kiệm nhiên liệu, nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Nhiều hộ trong làng phải đóng cửa vì không thể xoay xở được vốn” - ông Trần Văn Khoa cho hay.
Tại xã Vạn Nhất, nơi có truyền thống nghề mộc, cũng đang chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ. Trước đây, sản phẩm rất đa dạng, từ bàn ghế chạm khắc, khảm trai; những bộ đồ thờ sơn son thiếp vàng tinh xảo; những đồ gỗ nội thất trong nhà như giường, tủ, kệ ti vi, lộc bình, đồng hồ gỗ, tranh gỗ… được sản xuất công phu qua những đôi bàn tay của các nghệ nhân làng nghề, đã khắc họa được tâm hồn sản phẩm qua từng nét chế tác tỉ mỉ, công phu, được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Nghề mộc phát triển, nhưng lại không được quy hoạch xây dựng khu cụm công nghiệp sản xuất tập trung nên các hộ dân lập xưởng sản xuất ngay trong khu dân cư đông đúc. Vì thế ở tại đây, ban ngày người ta hay bắt gặp những người phụ nữ quanh năm bịt kín mặt, cần mẫn ngồi đánh giấy ráp ven đường, hay những anh thợ luôn phủ một lớp bụi gỗ trên người.
Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn có nhu cầu mở rộng nhà xưởng, lắp đặt thêm thiết bị máy để mở rộng sản xuất nên diện tích nhà xưởng hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến của các hộ gia đình. Nhiều hộ phải tận dụng phần diện tích nhà ở để làm xưởng sản xuất, làm trụ sở giao dịch, giới thiệu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hoa – người dân xã Vạn Nhất cho biết: “Gia đình tôi có ba đời làm ngói thủ công, nhưng nay phải bỏ nghề vì không có vốn để nâng cấp công nghệ. Một số gia đình chuyển sang làm dịch vụ hoặc đi làm thuê vì không thể đáp ứng các yêu cầu về khí thải và an toàn cháy nổ".
Nhiều làng nghề vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể để tái cơ cấu sản xuất. Trong bối cảnh thị trường VLXD đang ưu tiên vật liệu xanh, có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, thân thiện môi trường, các làng nghề truyền thống nếu không kịp chuyển mình sẽ khó duy trì được vị thế vốn có.
Hướng đi nào cho làng nghề?
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và yêu cầu cao từ thị trường, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu ứng dụng công nghệ số... Trước thực tế đó, Hà Nội đang chủ động chuyển hướng phát triển làng nghề theo mô hình liên kết - gắn sản xuất với tiêu thụ, du lịch, đào tạo và đổi mới công nghệ nhằm tạo đột phá về chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh bền vững.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, TP đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề, từ ứng dụng công nghệ, thiết kế mẫu mã đến xúc tiến thương mại, đào tạo lao động. Việc hình thành các cụm liên kết giữa làng nghề với DN, đơn vị nghiên cứu - đào tạo là một bước chuyển cần thiết để làng nghề phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Từ đó các địa phương đã đặt ra nhiều phương án phát triển, bảo tồn làng nghề, trong đó việc phát triển du lịch làng nghề đang được nhiều nơi đẩy mạnh. Hoặc người thợ đã tự thành lập hợp tác xã, nhóm sản xuất hoặc tổ chức theo chuỗi cung ứng, chia sẻ nguồn lực như mặt bằng, máy móc, nguyên liệu đầu vào và hỗ trợ đầu ra sản phẩm.
Điển hình là làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc, nơi hợp tác xã được thành lập, liên kết với DN du lịch và cơ sở đào tạo để tạo “vòng tròn liên kết” giữa sản xuất – thương mại – đào tạo – văn hóa. Từ chỗ chỉ bán buôn cho khách lẻ, giờ nhiều sản phẩm tại các làng nghề đã đi mọi miền Tổ quốc, thậm chí vươn mình ra thị trường thế giới. Trong định hướng phát triển đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng làng nghề theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Điều này đòi hỏi các làng nghề phải chuyển đổi công nghệ sạch, xử lý môi trường bền vững và đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị khép kín.
Mặt khác, vai trò của thị trường tiêu dùng và giới kiến trúc sư, chủ đầu tư cũng rất quan trọng trong việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm VLXD làng nghề. Nếu các dự án xây dựng ưu tiên sử dụng vật liệu truyền thống được sản xuất theo công nghệ mới, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, sẽ tạo động lực lớn cho việc hồi sinh các làng nghề VLXD trong thời đại xanh. Bà Bùi Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH Gốm Ngoại thất Sơn Oanh cho biết, để phát triển bền vững, Hà Nội cần có chính sách dài hạn hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ cho các làng nghề, đặc biệt là hỗ trợ đổi mới mô hình sản xuất gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. “DN rất muốn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại vào làng nghề nhưng cần mặt bằng rõ ràng và cơ chế phối hợp lâu dài với chính quyền. Nếu có chính sách thuê đất ổn định và hỗ trợ lãi suất, DN sẵn sàng đầu tư” - bà Bùi Thị Kim Oanh cho hay.
Tái cấu trúc làng nghề không đơn thuần là dừng sản xuất hay di dời cơ học, mà là một tiến trình nâng cấp công nghệ, đổi mới mô hình tổ chức, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa. Với cách tiếp cận này, Hà Nội hoàn toàn có thể giữ lại những “làng nghề VLXD xanh” vừa góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, vừa lưu giữ hồn cốt Thăng Long trong từng viên gạch, viên ngói.
Trích dẫn
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Có thể kể đến các chính sách tác động trực tiếp như: Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, đã đưa nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đào tạo nghề…

Nhiều dự án nghìn tỷ tại TP Đà Nẵng được miễn giấy phép xây dựng
Kinhtedothi – Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa có thông báo liên quan việc miễn giấy phép xây dựng đối với hàng loạt dự án lớn đáp ứng đủ điều kiện.

Tỉnh Sơn La: xây dựng lộ trình đầu tư, cải tạo trụ sở hành chính cấp xã sau sáp nhập
Kinhtedothi - Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV (diễn ra trong 2 ngày 16-17/7), tỉnh đã báo cáo kế hoạch rà soát, sắp xếp, đầu tư xây dựng lại hệ thống trụ sở làm việc cấp xã phù hợp với tổ chức bộ máy mới sau sáp nhập.

Báo chí- doanh nghiệp- hiệp hội: “Tam giác phối hợp” trong giám sát, xây dựng và phản biện chính sách
Kinhtedothi- Để chính sách đi vào cuộc sống, không thể thiếu vai trò của báo chí, hiệp hội và doanh nghiệp. Tam giác phối hợp” này có vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện và góp ý xây dựng chính sách hiệu quả, sát với thực tiễn.