Báo chí- doanh nghiệp- hiệp hội: “Tam giác phối hợp” trong giám sát, xây dựng và phản biện chính sách
Kinhtedothi- Để chính sách đi vào cuộc sống, không thể thiếu vai trò của báo chí, hiệp hội và doanh nghiệp. Tam giác phối hợp” này có vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện và góp ý xây dựng chính sách hiệu quả, sát với thực tiễn.
Chiều 16/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách”.
Mô hình cần thiết, thúc đẩy chính sách đi vào thực chất
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Các nghị quyết lớn của Bộ Chính trị – đặc biệt là Nghị quyết 68 – đã và đang đặt ra yêu cầu cải cách thể chế mạnh mẽ, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm động lực phát triển.

Toàn cảnh Diễn đàn
Tuy nhiên, như nhiều đại biểu nhận định, từ tư duy chính sách đến hành động cụ thể luôn cần một “lực đẩy”. Và ở đó, sự phối hợp giữa ba chủ thể: báo chí, hiệp hội và doanh nghiệp trở thành mô hình cần thiết, vừa để phản ánh, vừa để thúc đẩy chính sách đi vào đời sống một cách thực chất.
Phát biểu tại Diễn đàn, nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Tổng Biên tập Tạp chí Reatimes – nhấn mạnh: “Cải cách thể chế cần sự tham gia của cả hệ thống xã hội, trong đó báo chí, hiệp hội và doanh nghiệp là ba mắt xích không thể thiếu”.
Theo đó, hiệp hội đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh kịp thời những bất cập trong thực thi và đề xuất điều chỉnh phù hợp. Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách, có vai trò cung cấp phản hồi về tính khả thi, hiệu quả và những điểm nghẽn trong thực tiễn. Báo chí không chỉ đưa tin, tuyên truyền, mà còn là lực lượng giám sát và phản biện chính sách một cách công khai, minh bạch và có chiều sâu.
Báo chí muốn khẳng định vai trò- không thể chỉ đưa tin
Tại Diễn đàn, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu thẳng thắn chỉ ra: “Nếu báo chí muốn khẳng định vai trò, thì không thể chỉ đưa tin. Phải hiểu rõ nội dung chính sách, phản ánh đúng điểm then chốt và theo dõi việc thực thi đến cùng”.
Ông Hiếu nhấn mạnh, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68 không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính, mà là giảm chi phí tuân thủ và tăng khả năng bảo vệ doanh nghiệp. Báo chí cần đi sâu hơn vào nội dung cải cách, thay vì chỉ dừng ở những con số hình thức như “giảm từ 10 thủ tục xuống 7”.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 đặt ra điểm nhấn lớn là chuyển hướng xử lý ưu tiên hành chính, dân sự thay vì hình sự hóa với những hành vi chưa rõ ràng về pháp lý – điều mà doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong bối cảnh rủi ro pháp lý ngày càng lớn.
“Báo chí cần lên tiếng khi quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cách hiểu luật không thống nhất”, ông Hiếu nói, đồng thời nhấn mạnh vai trò giám sát thực thi chính sách của báo chí cần đi kèm với phản ánh trung thực cả điểm sáng lẫn điểm nghẽn.
Không chỉ dừng lại ở vai trò truyền thông, báo chí còn được kỳ vọng là nơi tạo diễn đàn đối thoại công khai, kết nối chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp để thúc đẩy sự minh bạch trong xây dựng chính sách.
TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – chia sẻ: “Cần đẩy mạnh truyền thông pháp luật sau khi luật được ban hành. Báo chí không chỉ tuyên truyền chủ trương đúng đắn mà còn phải chỉ rõ bất cập, từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất rằng mô hình “tam giác phối hợp” giữa báo chí, hiệp hội và doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh mới. Không chỉ để đưa chính sách vào cuộc sống, mà còn góp phần hình thành nền văn hóa chính sách có tương tác, có phản biện và có sự tham gia của cộng đồng.
Ba mục tiêu chính được đưa ra gồm: Làm rõ yêu cầu cải cách thể chế từ tư duy đến hành động; Đề xuất mô hình phối hợp hiệu quả giữa ba chủ thể trong xây dựng, giám sát và phản biện chính sách; Ưu tiên xử lý các vướng mắc nổi bật về đất đai, tín dụng, thuế, đầu tư và thúc đẩy minh bạch, phát triển bền vững cho thị trường bất động sản – một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Cải cách thể chế không thể là cuộc chơi của riêng nhà quản lý. Cần một tiến trình tương tác, đối thoại và phản biện từ cả ba phía. Và như ông Phan Đức Hiếu nói, báo chí chính là lực lượng “đưa nghị quyết vào cuộc sống” – bằng cách phản ánh trung thực, phân tích sâu sắc và đặt những câu hỏi cần thiết để chính sách không bị lãng quên trong ngăn kéo.

Báo chí đồng hành trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô
Kinhtedothi - Chiều 10/7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 7/2025. Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Huy Cường chủ trì hội nghị.

Hà Nội biểu dương người làm báo tiêu biểu: báo chí đồng hành, chia sẻ cùng sự phát triển của Thủ đô
Kinhtedothi - Chiều 19/6, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội; biểu dương người làm báo tiêu biểu Thủ đô; trao giải Cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2025.

Công nghệ giúp báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra môi trường du lịch xanh
Kinhtedothi - Chia sẻ tại Diễn đàn "Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" của Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức chiều 5/6, Giám đốc Marketing Công ty CP Công nghệ Du lịch BestPrice Bùi Thanh Tú khẳng định, Công ty Du lịch BestPrice là một ví dụ điển hình, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành du lịch Việt Nam.