Tỉnh Sơn La: xây dựng lộ trình đầu tư, cải tạo trụ sở hành chính cấp xã sau sáp nhập
Kinhtedothi - Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV (diễn ra trong 2 ngày 16-17/7), tỉnh đã báo cáo kế hoạch rà soát, sắp xếp, đầu tư xây dựng lại hệ thống trụ sở làm việc cấp xã phù hợp với tổ chức bộ máy mới sau sáp nhập.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu cho biết, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các xã, phường rà soát hiện trạng toàn bộ trụ sở hành chính. Trên cơ sở đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở theo quy định, các địa phương sẽ đề xuất phương án đầu tư cải tạo, xây mới hoặc sắp xếp lại nhằm bảo đảm điều kiện làm việc ổn định, hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Theo đó, trong tổng số 75 xã, phường, có 12 địa phương đang sử dụng lại trụ sở cũ của các đơn vị hành chính cấp huyện, đủ điều kiện diện tích và công năng. UBND tỉnh chỉ đạo các xã này tiếp tục rà soát và chủ động sửa chữa nhỏ nếu cần, từ nguồn ngân sách được giao, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Đối với 63 xã, phường còn lại chưa đạt chuẩn, tỉnh chia thành 3 nhóm để xây dựng lộ trình đầu tư. Cụ thể, nhóm 1 là các xã có trụ sở mới xây dựng giai đoạn 2020–2025, đồng thời có công trình dôi dư có thể nâng cấp. Các xã lập phương án cải tạo, nâng cấp, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư, hoàn thành đề xuất trong năm 2026.
Nhóm 2 là các xã có trụ sở xuống cấp, cần xây mới tại địa điểm hiện tại. Địa phương lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp thẩm quyền xem xét trong năm 2026; thi công trong giai đoạn 2026–2027, tùy khả năng bố trí vốn.
Nhóm 3 là các xã cần xây trụ sở tại vị trí mới do không phù hợp quy hoạch hoặc quy mô dân số tăng. UBND cấp xã đề xuất địa điểm đầu tư trong năm 2025, đồng thời điều chỉnh quy hoạch nếu cần, triển khai xây dựng từ năm 2026–2028, ưu tiên xã biên giới, vùng sâu, vùng xa và những nơi có yêu cầu cao về quốc phòng, an ninh.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu đầu tư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 và 2031–2035; phối hợp xác định cơ cấu nguồn vốn phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Sở Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và thẩm định thiết kế theo đúng quy định.

Quang cảnh kỳ họp.
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Sơn La đã biểu quyết thông qua 18 nghị quyết quan trọng, gồm: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 cấp huyện, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công cấp tỉnh (đợt 1); Điều chỉnh dự toán thu – chi ngân sách năm 2025 sau sắp xếp đơn vị hành chính; Quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch hại; Hỗ trợ kinh phí cho học sinh phải qua sông, suối, hồ đến trường và một số nội dung khác trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, pháp chế và dân tộc.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La cùng các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết đã thông qua, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tăng cường giám sát, hướng dẫn hoạt động của bộ máy hành chính cấp xã, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La nhấn mạnh, cần đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với chính quyền cấp xã, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu hoàn thành công tác bố trí cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập; cập nhật, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo phân cấp mới. Chủ động trong xử lý công việc, không để chậm trễ hay bỏ sót, nhằm mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Thường trực HĐND các xã, phường cần phối hợp với UBND và MTTQ cùng cấp chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND. HĐND tỉnh cũng sẽ tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động cho HĐND cấp xã trong thời gian tới…

Sơn La: đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tạo bứt phá thu hút đầu tư
Kinhtedothi - Tập trung cải thiện hạ tầng, logistics, cải cách hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp là những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sơn La trong năm 2025, hướng tới xây dựng trung tâm nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến khu vực Tây Bắc.

Sơn La: đánh thức tiềm năng, xây dựng mô hình kinh tế xanh, bền vững
Kinhtedothi - Từ lợi thế đất đai, rừng và lòng hồ thủy điện, các địa phương của tỉnh Sơn La đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Những mô hình cây ăn quả, dược liệu, du lịch cộng đồng hay cá lồng trên lòng hồ… đang mở ra hướng đi bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân miền sơn cước.

Tỉnh Sơn La: công nghiệp, xây dựng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Sơn La ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực. Sản xuất phục hồi, sản phẩm tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển chung của tỉnh.