Tỉnh Sơn La: công nghiệp, xây dựng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Sơn La ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực. Sản xuất phục hồi, sản phẩm tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Thương mại, xuất khẩu sôi động
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 3 nhà máy thủy điện lớn với tổng công suất 3.120 MW, 57 thủy điện nhỏ công suất 670,05 MW; 2 khu công nghiệp (Mai Sơn, Vân Hồ), 2 cụm công nghiệp (Mộc Châu, Gia Phù), cùng hơn 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 34 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 9,5% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng trưởng khá như: xi măng tăng 14,9%, điện sản xuất tăng 10,6%, đá xây dựng tăng 5,2%, sữa tươi tiệt trùng tăng 4%, nước máy thương phẩm tăng 3,2%. Những con số này cho thấy công nghiệp Sơn La đang trên đà phục hồi và tăng tốc.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn. Ảnh: BSL
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 20.200 tỷ đồng, tăng 12,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 112,2 triệu USD, trong đó nông sản chiếm tỷ trọng lớn với mức tăng 10,5%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: xi măng, clinker, cà phê, chè, sản phẩm từ sắn, đường mía, chuối, xoài...
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Như Huệ, tỉnh chú trọng điều tiết nguồn nước, bảo đảm điện cho sản xuất và nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy chế biến nông sản, cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Sở cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông tin thị trường, livestream tiêu thụ mận hậu, xoài tại Phiêng Khoài, kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, tạo kênh phân phối hiện đại và bền vững.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành công nghiệp, xây dựng đã đóng góp 4.260 tỷ đồng, tăng 11,83%, đóng góp 2,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh trong nửa đầu năm.
Định hướng phát triển
Tỉnh Sơn La đã xác định rõ định hướng trong Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050: lấy công nghiệp chế biến nông sản và năng lượng tái tạo làm trụ cột. Song song, việc tổ chức lại bộ máy chính quyền 2 cấp đang giúp tăng hiệu lực quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại. Tỉnh vẫn đối mặt với những khó khăn về hạ tầng, chất lượng lao động và khả năng kết nối chuỗi cung ứng. Do đó, ngành Công Thương đang phối hợp các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu: chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2025 tăng 1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 39.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 215 triệu USD, tăng 8,6%.
Ông Hà Như Huệ cho biết, ngành sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn kịp thời, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có tiềm năng tăng sản lượng. Đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, cân đối cung cầu thị trường, bình ổn giá khi cần thiết. Sở cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên sàn điện tử, nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp và hợp tác xã.
Tỉnh tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Năm 2025, dự kiến đưa vào vận hành: Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu (giai đoạn 1); Nhà máy chế biến chè Vinatea; Nhà máy tinh bột biến tính BHL Sơn La; Tổ hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn.
Ngoài ra, Sơn La cũng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới điện, tăng cường an toàn đập, hồ chứa, bảo đảm nước hạ du và phòng chống lũ. Dự kiến cuối năm 2025, sẽ đưa vào hoạt động các nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1, Háng Đồng B và Nậm Pàn 5.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, công nghiệp Sơn La đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh. Ngành công nghiệp, xây dựng được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng, góp phần đưa GRDP của tỉnh đạt mức tăng trên 8% trong năm 2025.

Sơn La: phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới vững bền
Kinhtedothi - Hàng trăm triệu mét vuông đất được hiến, hàng triệu ngày công đóng góp,…. chương trình xây dựng nông thôn mới tại Sơn La đã huy động hiệu quả sức dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở Sơn La: siết chặt phòng tuyến, giảm thiểu thiệt hại
Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã ghi nhận 30 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 18 xã, phường, gây thiệt hại gần 40 tấn lợn. Dù phần lớn đã được khống chế, hiện vẫn còn 2 ổ dịch tại phường Chiềng Cơi và xã Yên Châu chưa qua 21 ngày theo dõi.

Chuỗi liên kết sản xuất, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã tại Sơn La
Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động đổi mới tư duy sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tạo bước chuyển mình rõ nét trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.