Chuỗi liên kết sản xuất, hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã tại Sơn La
Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động đổi mới tư duy sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tạo bước chuyển mình rõ nét trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Kết nối thị trường, nâng giá trị cây trồng
Năm 2022, anh Nguyễn Mạnh Toản đã vận động 12 hộ dân tại địa phương thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mạnh Khôi (xã Mường Bú) với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Không chờ thị trường tìm đến, HTX chủ động tiếp cận các thành phố lớn, trung tâm tiêu thụ để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Nhờ sự hỗ trợ từ tỉnh, HTX được tham gia nhiều hội chợ thương mại lớn, qua đó ký kết các hợp đồng chiến lược và mở rộng thị trường xuất khẩu chuối, xoài sang Trung Quốc, Thái Lan.

Thành viên HTX ứng dụng khoa học vào sản xuất cây ăn quả. Ảnh: IT
Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua hơn 600 tấn xoài, mỗi ngày xử lý từ 5-7 tấn chuối tươi, với giá dao động từ 4.000–5.500 đồng/kg. Sản phẩm được phân phối đến các chợ đầu mối, nhà máy chế biến và đơn vị xuất khẩu, mang lại doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.
Anh Lò Văn Bùi (bản Cứp, xã Mường Bú) cho biết: “Gia đình tôi trồng 6 ha chuối tây, trước kia tôi rất lo vì đầu ra bấp bênh. Từ khi có HTX đứng ra thu mua ổn định, mỗi năm gia đình thu về hơn 200 triệu đồng, yên tâm sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, địa phương hiện có hơn 3.400 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 18.000-20.000 tấn/năm. HTX Nông nghiệp Mạnh Khôi đang phát huy tốt vai trò là cầu nối thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hoàn thành tiêu chí kinh tế trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng điểm thu mua, tăng cường quảng bá sản phẩm, chủ động tìm thị trường tại các tỉnh thành trên cả nước và liên kết với doanh nghiệp chế biến, tạo điểm tựa vững chắc cho nông dân phát triển sản xuất.
Ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất vượt trội
Thành lập năm 2016 với quy mô ban đầu chỉ 2 ha và 8 thành viên, HTX Nông nghiệp Dũng Tiến (phường Vân Sơn) từng chủ yếu canh tác rau màu theo mùa vụ, năng suất và thu nhập còn thấp. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn đến khi HTX quyết định chuyển mình theo hướng sản xuất rau an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã huy động nguồn lực, tham gia các dự án hỗ trợ sản xuất hữu cơ, tập huấn kỹ thuật canh tác rau trái vụ như bắp cải, rau cải, cà chua... Theo đó, kỹ năng gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm đều được chuẩn hóa.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật canh tác, HTX Nông nghiệp Dũng Tiến đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương công nghệ Israel, giúp tiết kiệm 70% lượng nước và 50% chi phí nhân công. Đồng thời, xây dựng 5 ha nhà kính, nhà lưới, giúp cây trồng tránh được ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, giảm sâu bệnh, ổn định năng suất và chất lượng.
Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô lên 20 ha, trong đó có 10 ha đạt chuẩn VietGAP, 5 ha trong nhà kính đang chuyển dần sang hướng hữu cơ. Sản phẩm đầu ra được quản lý bằng mã truy xuất nguồn gốc, bảo quản lạnh trước khi phân phối đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.
Hiện nay, giá trị canh tác tại HTX đã tăng từ 160 triệu đồng lên hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Việc phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giúp HTX không chỉ tăng trưởng ổn định mà còn mang lại thu nhập cao và bền vững cho các thành viên.
Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh Sơn La có hơn 900 HTX đang hoạt động, trong đó gần 650 HTX nông nghiệp, chiếm tỷ lệ hơn 70%. Nhiều HTX đã chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình HTX kiểu mới, thực hiện sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nông dân và thị trường.
Một trong những đột phá của các HTX tại Sơn La là sự chủ động trong kết nối thị trường. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và chương trình xúc tiến thương mại, các HTX đã tích cực tham gia hội chợ, ký kết hợp đồng với hệ thống siêu thị lớn cũng như các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 1.200 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó 80% HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Sơn La: giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế
Kinhtedothi - Sơn La đang triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống Nhân dân.

Đa dạng sản phẩm du lịch: hướng phát triển bền vững của Sơn La
Kinhtedothi - Sơn La đang chinh phục du khách bằng hệ thống sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, từ du lịch cộng đồng, sinh thái và nông nghiệp trải nghiệm đến phát triển dịch vụ lưu trú...

Sơn La có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kinhtedothi - Ngày 8/7, UBND tỉnh Sơn La cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa Lễ hội Xên Lẩu Nó, Lễ hội Púng Hiéng và Nghề làm giấy vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.