Đa dạng sản phẩm du lịch: hướng phát triển bền vững của Sơn La
Kinhtedothi - Sơn La đang chinh phục du khách bằng hệ thống sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, từ du lịch cộng đồng, sinh thái và nông nghiệp trải nghiệm đến phát triển dịch vụ lưu trú...
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên sẵn có, cùng bản sắc văn hóa đặc sắc, ngành du lịch Sơn La đã tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng gắn với sinh thái, nông nghiệp và văn hóa bản địa. Đến nay, Sơn La có 12 khu, điểm du lịch đã được công nhận (1 khu du lịch quốc gia, 1 khu du lịch cấp tỉnh, 10 điểm du lịch cấp tỉnh); có 5 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo, gồm: du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề (thể thao; hội thảo, hội nghị, ẩm thực).

Du khách thích thú với trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.
Bản sắc văn hóa làm nên sức hút du lịch cộng đồng
Bản Hua Tạt (xã Vân Hồ) có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây luôn nhộn nhịp với các đoàn khách trong nước và quốc tế. Đến với những mái nhà gỗ mộc mạc tại A Chu homestay, các du khách rất hào hứng khi được trải nghiệm cùng người dân bản địa vẽ sáp ong trên vải nhuộm chàm. Một nghề truyền thống đã được đồng bào dân tộc Mông nơi đây gìn giữ qua bao thế hệ.
Ngoài vẽ sáp ong trên vải, khi đến với Hua Tạt, du khách còn được trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống khác, như: rèn dao, se lanh, dệt vải, thêu váy của đồng bào dân tộc Mông.
Anh Tráng A Chu, chủ A Chu homestay, chia sẻ: Vào các tháng nông nhàn (ngoài tháng 7, 8), du lịch giúp bà con nơi đây có thêm sinh kế. Các hộ không kinh doanh homestay vẫn có nguồn thu ổn định bằng việc hướng dẫn trải nghiệm, hỗ trợ khách tham quan hay sản xuất hàng handmade bán cho du khách... Nhờ du lịch, nhiều nghề truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị.
Bên cạnh đó, nhiều điểm đến tạo ấn tượng cho du khách, như: điểm du lịch sinh thái Thác Dải Yếm; phố đi bộ - chợ đêm Mộc Châu; thung lũng mận Nà Ka; đền Hang Miếng tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Cùng với đó là các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang được tôn tạo, bảo vệ, khai thác phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, nổi bật là di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; di tích quốc gia đặc biệt khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào; Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi; di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt; khu du lịch đèo Pha Đin và khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La...
Hạ tầng lưu trú ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu du lịch tăng cao
Hiện nay, hệ thống các dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng mở rộng về quy mô, đa dạng về loại hình phù hợp với đặc thù, tiềm năng của từng địa phương; chất lượng ngày một nâng cao, tạo ấn tượng tích cực và thu hút du khách.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 641 cơ sở lưu trú du lịch. Các khách sạn, resort đã được xếp hạng từ 3 sao trở lên, có quy mô lớn, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, thiết kế ấn tượng, dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và tổ chức sự kiện của địa phương và của tỉnh.
Tỉnh Sơn La có Thảo Nguyên Hotel & Resort là resort tiêu chuẩn 3 sao duy nhất của tỉnh, với diện tích trên 6 ha, khu nghỉ dưỡng được đầu tư đồng bộ với nhiều phân khu, như: Khu villa biệt thự; khu trung tâm; khu Osaka; khu đồi cọ, với 250 phòng nghỉ, có hệ thống xe điện đón trả khách tiện lợi; khu tổ chức sự kiện, khu thể thao trong nhà và ngoài trời; trung tâm mua sắm các sản vật Tây Bắc; nhà hàng cao cấp, bể bơi, cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác.
Với hơn 300 khách sạn, nhà nghỉ, homestay, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu hiện chiếm 50% số cơ sở lưu trú toàn tỉnh. Các loại hình dịch vụ lưu trú tại đây rất phong phú với giá dịch vụ đa dạng, đáp ứng sự phát triển của du lịch và nhu cầu ngày càng cao của du khách, với công suất sử dụng buồng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch, các nhà hàng, quán ăn luôn đạt từ 60% trở lên; dịp cuối tuần và nghỉ lễ đạt công suất 100%.
Những năm gần đây, du lịch Sơn La đã có sự phát triển bứt phá, lượng khách du lịch đến ngày một tăng, vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được định hình. Trong giai đoạn 2020-2025, tăng trưởng ngành du lịch đạt 13%/năm, đóng góp khoảng 6% GRDP cho tỉnh.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, để phát triển du lịch trong thời gian tới, ngành tập trung rà soát, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, ưu đãi có tính đột phá thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, tập trung quy hoạch theo hướng cụ thể, rõ ràng, sát thực tế để “mở đường” cho du lịch Sơn La phát triển đúng hướng. Từ đó, giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, hình thành những điểm đến hấp dẫn, các sản phẩm du lịch thực sự chất lượng, xứng tầm.

Sơn La có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kinhtedothi - Ngày 8/7, UBND tỉnh Sơn La cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa Lễ hội Xên Lẩu Nó, Lễ hội Púng Hiéng và Nghề làm giấy vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Điểm tựa" vững chắc cho nông dân Sơn La
Kinhtedothi - Các nguồn vốn hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang giúp nhiều hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.

Sơn La di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi vùng sạt lở
Kinhtedothi - Mưa lớn kéo dài tại các xã Mường Chiên và Chiềng Mai, tỉnh Sơn La đã gây sạt lở đất, buộc lực lượng chức năng di dời khẩn cấp nhiều hộ dân đến nơi an toàn.