Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 kịch bản chống ngập mùa mưa 2016 ở Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với trận mưa trên 100 mm trong 2 giờ, thành phố sẽ huy động tổng lực, trong đó đề nghị cả Bộ Nông nghiệp hỗ trợ tiêu thoát nước cho sông Nhuệ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mùa mưa bão năm 2016 mưa sẽ tập trung theo vùng và trong thời gian ngắn; sẽ có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Theo ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, qua theo dõi những năm qua, với những trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn dưới 40 phút sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước thành phố. Cụ thể, mưa có lưu lượng từ 50 đến 100mm trong 2 giờ, ở 12 quận nội thành vẫn còn 16 điểm ngập úng, trong đó có các tuyến phố: Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Liễu Giai, Đội Cấn, Minh Khai, Trường Chinh, Giáp Bát…
Với tình huống mưa lớn, đường ngập, Công ty Thoát nước Hà Nội huy động 100% quân số để túc trực tại các điểm tiêu thoát nước, cảnh báo cho người dân. Ảnh: Phương Sơn
Với tình huống mưa lớn, đường ngập, Công ty Thoát nước Hà Nội huy động 100% quân số để túc trực tại các điểm tiêu thoát nước, cảnh báo cho người dân. Ảnh: Phương Sơn
Lý giải về 16 điểm ngập úng, ông Hùng cho rằng, thành phố hiện vẫn còn tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, thoát nước. Khi mưa, các túi rác sẽ theo dòng chảy làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Đặc biệt, toàn thành phố còn 17 công trình thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên các tuyến sông, kênh mương khi mưa lớn.

Đối phó với mùa mưa sắp tới, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đưa ra 3 kịch bản để giảm thiểu tình trạng ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cụ thể, trong tình huống 1 khi mưa vừa trên 50 mm trong 2 giờ, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, kiểm tra địa bàn, kịp thời giải quyết các điểm úng ngập mới phát sinh, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khả năng thoát nước... Ngành sẽ thường xuyên thông tắc, bơm hút nước, tăng nhanh thời gian thoát nước tại khu vực cục bộ có địa hình trũng.

Tình huống 1: Dự báo mưa vừa (trên 50 mm/2h)

Với lượng mưa này trên các trục chính của thành phố không có điểm úng ngập, chỉ tồn tại một số khu vực trũng hoặc hệ thống thoát nước chưa được cải tạo, thời gian thoát nước kéo dài hơn, gây đọng nước trên mặt đường.

Huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, kiểm tra rà soát địa bàn, kịp thời giải quyết các điểm úng ngập mới phát sinh, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khả năng thoát nước... Ngoài ra, sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, tăng nhanh thời gian thoát nước tại các khu vực cục bộ có địa hình trũng.

Tình huống 2: Dự báo mưa to (50-100 mm/2h)

Công ty huy động lực lượng ứng trực theo Phương án và lực lượng xung kích thực hiện vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên các họng thu nước mặt như ghi thu, hàm ếch…

Vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt (khi nước tại đập Thanh Liệt bắt đầu chảy vào khu vực nội đô thì đóng đập). Vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ.

Đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng như: Thụy Khuê; Phạm Văn Đồng; Núi Trúc; Trường Chinh, Phan Bội Châu… Sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, giảm thiểu thời gian úng ngập tại các khu vực úng ngập cục bộ có địa hình trũng, trọng điểm. Phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông.

Tình huống 3: Dự báo mưa rất to (trên 100 mm/2h)

Cùng các biện pháp được thực hiện trong tình huống 2, khi có mưa rất to trên địa bàn, thực hiện thêm các biện pháp sau: Huy động 100% cán bộ công nhân viên ứng trực, thực hiện vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên miệng ghi thu, hàm ếch…, kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy.

Phối hợp với các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, đóng cọc căng dây cảnh báo khu vực xảy ra úng ngập đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Chủ động kiểm soát mực nước tại các cửa xả ra sông Nhuệ bằng các biện pháp khác nhau (vận hành hệ thống các cửa phai và các trạm bơm cố định). Phối hợp với các Chủ đầu tư, đơn vị thi công phá dỡ toàn bộ các đập chặn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành.

Vận hành tối đa Trạm bơm Yên Sở để hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông. Các trạm bơm khác vận hành 100% công suất để tiêu nước nước nội thành ra sông Hồng và sông Nhuệ...

Đóng cống Cầu Đìa trên sông Đăm (kênh T1 hệ thống thủy nông Đan Hoài), cống Cầu Sa trên sông Cầu Ngà (kênh T2 hệ thống thủy nông Đan Hoài) để ngăn nước vùng đồng huyện Đan Phượng và vùng đồng phía bắc huyện Hoài Đức chảy về sông Nhuệ.

UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo vận hành TB Yên Lệnh hỗ trợ tiêu sông Nhuệ. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông. Ngừng vận hành các trạm bơm tiêu bờ hữu sông Nhuệ; mở đập Hòa Mỹ vận hành trạm bơm Vân Đình, đồng thời vận hành tối đa các trạm bơm nông nghiệp như trạm bơm Ngọ Xá, Ngoại Độ, Khai Thái, Bộ Đầu, Đông Mỹ rút nước sông Nhuệ ra sông Đáy và sông Hồng.

Phối hợp với UBND các quận, phường (đặc biệt tại các khu vực trũng) để dự kiến số lượng dân, vị trí di dời tạm thời dân ra khỏi vùng ngập lụt.