Cụ thể, khi Việt Nam đang phát triển thì lao động có tay nghề là cực kỳ quan trọng. Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật GDNN và có hiệu lực từ 2015. Năm 2017, văn bản chính thức về quản lý GDNN đã được khẳng định và Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) quản lý lĩnh vực này.
Từ đó đến nay, chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống văn bản, bộ máy... Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, GDNN cần được định vị đúng và cần có chiến lược Quốc gia về phát triển GDNN.
Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN. Hiện nay, Bộ LĐ, TB&XH đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở GDNN.
Về tuyển sinh GDNN, từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những chuyển biến tích cực nên kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%.
Hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên, trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%.
Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN chưa cao; mạng lưới cơ sở GDNN còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; công tác tuyển sinh trong GDNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn; đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thêm, thời gian tới lĩnh vực GDNN sẽ tập trung một số giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được thực hiện theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở GDNN đa ngành và chuyên ngành.
Ngoài ra, cần tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững, đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội.