70 năm giải phóng Thủ đô

3 năm thi hành Luật Thủ đô: Chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển và quản lý đô thị

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về 3 năm thi hành Luật Thủ đô.

Trong đó nhận định, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô. 
TP chủ động hơn trong việc thu hút các nguồn lực để phát huy các tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, không ít vướng mắc mà chỉ riêng Hà Nội không thể giải quyết được cũng được chỉ ra.
Đột phá trên nhiều lĩnh vực
Theo nhận định của Chính phủ, hơn 3 năm qua, Luật Thủ đô đã nhanh chóng được triển khai vào cuộc sống, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực. Sau hơn 3 năm thi hành Luật Thủ đô, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 14 Nghị quyết; UBND TP ban hành 2 Quyết định cụ thể hóa Luật trên nhiều lĩnh vực giáo dục, QH-KT, GTVT, môi trường, tài chính, đầu tư. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, GTVT được quan tâm, ưu tiên đầu tư, hình thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nếu năm 2013, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TP chỉ có 86 tuyến, đến nay đã tăng lên 92 tuyến, vận hành hơn 12.890 lượt xe/ngày. Việc quản lý cầu, hầm, đường bộ trên địa bàn TP, đặc biệt là quản lý các tuyến quốc lộ trên địa bàn đã được phân định rõ hơn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện. Nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng GTVT được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài, các đường vành đai... đã góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đường Nguyễn Chí Thanh khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều chính sách trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển nhà ở đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô như Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại; hoàn thành và đưa vào vận hành các Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Hồ Tây, hồ Bảy Mẫu…
TP cũng đã huy động được gần 400 tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; đã thực hiện công bố Danh mục các dự án dự kiến thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 1), trong đó có 11 dự án công viên với tổng mức đầu tư 36.800 tỷ đồng...
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra không ít hạn chế trong quá trình thi hành Luật Thủ đô. Đáng lưu ý, việc quản lý dân cư trong khu vực nội đô, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề. Số lượng dân di cư tự phát vào nội thành ngày một tăng (hiện có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú) kéo theo đó là những áp lực rất lớn về hạ tầng xã hội. Tăng trưởng dân số Thủ đô khoảng 2,4%/năm (200.000 người/năm), mỗi năm TP phải giải quyết khoảng 160.000 việc làm mới. Và giao thông là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy sức ép rất lớn đối với Hà Nội. Tăng dân số cơ học không chỉ gây áp lực về giao thông, tăng phương tiện giao thông cá nhân mà còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác như điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chất lượng sống...
Chính phủ thẳng thắn thắn nhìn nhận: Để văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội đi vào cuộc sống, cần thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của các cơ quan liên quan, trong đó có việc sửa một số điều khoản của Luật Thủ đô.
Như việc quy định tỷ lệ 25% diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trên 10ha tại Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND của HĐND TP. Trên thực tế, việc bố trí 25% diện tích đất ở hoặc 25% quỹ sàn nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong cùng dự án rất khó thực thi. Bởi quy hoạch dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp và nhà ở xã hội trong cùng dự án là không tương thích với nhau về hạ tầng kỹ thuật, hơn nữa do chung hạ tầng kỹ thuật cho nên giá căn hộ, giá dịch vụ trong khu đô thị, dự án nhà ở cao cấp là rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân là đối tượng được mua nhà ở xã hội. Quy định này cần có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với tình hình thực tế. Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 16 của Luật theo hướng cho phép TP phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung có quy mô tương ứng 25% diện tích đất ở hoặc diện tích nhà của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới, thay thế cho việc phải dành diện tích quỹ đất hoặc quỹ sàn nhà ở xã hội trong từng dự án khu nhà ở, khu đô thị theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Thủ đô.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Thủ đô nhằm bảo đảm mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp đặc điểm, tình hình của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần của Điều 111 Hiến pháp 2013. Với Hà Nội, Chính phủ đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp lý, thiếu tính khả thi, qua đó ban hành văn bản, quy định mới thay thế, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.