Kinhtedothi - Dịp đầu năm 2015, khi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đặt vấn đề viết hành trình phá các vụ án có tính ly kỳ, hấp dẫn cho chuyên mục “Hành trình phá án”, các điều tra viên thuộc Đội Điều tra trọng án (Đội 9), Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an TP Hà Nội đã nhớ ngay tới hành trình 30 ngày phá vụ án bác sĩ giết người tình rồi đốt xác phi tang tại ngõ chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng).
Đặc biệt, từ khi bắt được cho đến lúc buộc kẻ thủ ác khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội là hơn 500 phút đấu trí vô cùng căng thẳng, khó khăn và tưởng như có lúc đã lâm vào ngõ cụt…
Vụ án mạng có nhiều nghi vấn
Các chiến sĩ Đội 9 nhớ lại, vào đêm mùng 7, rạng sáng 8/2/2007, tại số nhà 16, ngách 68, ngõ chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Ngọn lửa hung ác đã thiêu rụi gần như toàn bộ tầng 2 ngôi nhà, làm vỡ vụn nhiều mảnh vật liệu… Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã phải huy động 2 xe cứu hỏa mới dập tắt được đám cháy. Trong đống tro tàn, các lực lượng phát hiện một thi thể phụ nữ. Nạn nhân nhanh chóng được xác định là bà Nguyễn Thị Minh N. (SN 1969). Qua rà soát, cơ quan công an nắm được bà N. chuyển đến căn nhà này từ năm 2003 sau khi ly dị chồng.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, một ban chuyên án đã được thành lập bao gồm lực lượng điều tra hình sự của Phòng PC45, PC54 và Công an quận Hai Bà Trưng. Tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan công an phát hiện trong phổi nạn nhân không hề có khói. Như vậy, nhiều khả năng đây không phải là một vụ hỏa hoạn thông thường mà là một vụ giết người. Đồng thời, nạn nhân chỉ mất 2 chiếc điện thoại di động và một ít tiền; còn đồ trang sức, nhẫn vàng lại không mất - chứng tỏ không thể là vụ trộm. Cơ quan điều tra cũng nhận định đối tượng chắc chắn là một kẻ có “cái đầu lạnh”. Hắn ra tay nhanh, lại có đủ thời gian để xóa dấu vết, thậm chí dùng chính quần áo chăn màn ở nhà nạn nhân để phóng hỏa.
Mặc dù lúc đó Hà Nội vừa vào tiết xuân, nhà nhà người người nô nức chuẩn bị đón Tết, song tất cả các cán bộ chiến sĩ Đội 9, PC45 cùng Công an quận Hai Bà Trưng, Công an phường Cầu Dền đã được huy động, chia làm nhiều tổ khẩn trương điều tra. Công tác rà soát mối quan hệ của nạn nhân được đặc biệt chú ý. Vì qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an xác định kẻ thủ ác phải là người quen biết, thậm chí khá thân thiết với nạn nhân. Rà soát mối quan hệ của nạn nhân, các điều tra viên dựng lên được hàng chục người đàn ông tình nghi. Đặc biệt, một nhân chứng cho biết, đêm 7/2 có nhìn thấy một người đàn ông có vóc người đậm đến nhà nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi tiến hành xác minh một số người đàn ông theo như nhân chứng mô tả, thì không có kết quả.
Suốt gần một tháng điều tra, hàng trăm trinh sát đã được tung ra rà soát khắp các khu vực tình nghi ở phường Cầu Dền, dựng lại hành trình của bị hại và tất cả các đối tượng tình nghi vào trước đêm xảy ra vụ án… Cho đến ngày 7/3, các trinh sát tìm thấy một “điểm sáng” - Đó mà mối quan hệ tưởng như mờ nhạt giữa nạn nhân và một bác sĩ tên là Trần Chí C. (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai). Sau khi củng cố tài liệu, chứng cứ, ngày 8/3/2007, cơ quan điều tra đã quyết định đưa vị bác sĩ này về PC45 để lấy lời khai.
Biện pháp điều tra hợp lý
Một điều tra viên cao cấp của PC45 cho biết, có thể nói Trần Chí C. là một trong số ít những đối tượng giết người thuộc vào hạng “gan lỳ” bậc nhất. Từ khi bị đưa về cơ quan công an cho đến cả ngày sau, C. vẫn ngoan cố, không chịu hợp tác điều tra. Dù một số điều tra viên thuộc hàng cao thủ, kinh nghiệm đầy mình song vẫn không lấy được một lời khai nào của C. về vụ án.
Đã làm nghề điều tra, chuyện phá án dĩ nhiên phải trọng chứng cứ hơn trọng cung. Tuy nhiên, một điều quan trọng không kém là làm thế nào để đối tượng phải khai, và những lời khai của đối tượng phải phù hợp với chứng cứ thu được. Như vậy thì vụ án mới có thể bảo đảm đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và cũng không bỏ lọt tội phạm. Khi cơ quan công an đang lâm vào thế “bí” thì điều tra viên M.A xung phong được ngồi một mình với đối tượng.
Qua nghiên cứu kỹ hồ sơ của đối tượng, điều tra viên biết được cuộc đời của C. khá “sóng gió”. Năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, C. thi đậu trường Đại học Y Hà Nội. Ra trường, C. về quê công tác tại Sở Y tế Hải Dương. Đến năm 1986, C. chuyển lên Hà Nội, làm việc tại Viện Khoa học Lao động. Một năm sau, C. nghỉ làm, xin đi lao động ở Đức. Đến năm 1990, sau khi về nước, C. bỏ nghề bác sĩ và xin vào làm ở một công ty vận tải. Từ đó, trong khi các bạn bè cùng trang lứa ở trường Đại học Y đã thành đạt, nhiều người có học hàm tiến sĩ y khoa thì C. lại không trụ được với nghề. C. chuyển qua nhiều công việc khác nhau, kể cả lái xe và làm photocopy ở cổng Bệnh viện Quân y 103. Năm 2002, vợ C. đột ngột qua đời vì bệnh ung thư, để lại cho C. 2 đứa con nhỏ. Sau khi vợ mất, C. xin được việc làm ổn định ở một khách sạn. Tưởng như cuộc sống của 3 cha con sẽ trôi đi một cách yên bình, hạnh phúc. Nhưng cũng kể từ đó, C. lao vào cờ bạc.
Sau khi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ về C., được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan CSĐT, điều tra viên M.A xung phong cho anh ngồi một mình với đối tượng. Đưa C. xuống phòng y tế, anh nói rõ cho C. biết là chỉ muốn nói chuyện, không hề ghi âm, điện thoại di động tắt hoàn toàn, điện thoại cố định cũng ngắt dây… Điều tra viên đã cùng tâm sự với C. hàng giờ về ngành y, rồi về cuộc sống hiện tại. Nắm được hiện C. đang ở với 2 đứa con, và là một người cha cực kỳ yêu thương con. Cả 2 con của C. đều ngoan và học giỏi. Đồng thời, điều tra viên M.A cũng “bắt” được những suy nghĩ của C., rằng C. sợ khai ra thì sẽ phải nhận cái chết. Anh nói thẳng với C. rằng, kẻ nào gây ra hành vi cướp của, giết người rồi đốt xác phi tang như vậy đều khó tránh khỏi án tử. Song nếu đặt vào tình huống vợ anh, người thân của anh bị một kẻ nào đó đối xử như vậy thì anh có thấy tội ấy đáng chết hay không? Đặc biệt, điều tra viên phát hiện ra C. rất sợ… mất nhà - C. sợ mình đi tù thì 2 con sẽ bơ vơ, phải ra đường…
Rõ ràng, theo pháp luật thì C. phải chịu trách nhiệm về cái chết của chị N., phải bồi thường những tổn thất về vật chất và tinh thần cho người thân của chị - song ngôi nhà C. đang ở hẳn nhiên là sẽ không thể bị kê biên. Điều tra viên đã hứa với C., thậm chí hứa trước mặt con gái C. rằng, anh sẽ đứng ra bảo lãnh về chuyện căn nhà. Điều tra viên cũng nhờ người thân tác động tâm lý để C. hiểu được tội lỗi của mình gây ra, và sớm muộn gì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với chừng ấy biện pháp, dần dần C. cũng có những biến chuyển về tâm lý, ngập ngừng đồng ý khai. Nhưng khi được đưa giấy bút để khai, C. ngẫm nghĩ một lúc rồi lại… quyết định không khai nữa! Tuy nhiên, điều tra viên M.A vẫn kiên trì với chiến thuật của mình. Thấy C. mặc áo phong phanh, anh cởi áo của mình mặc cho hắn; hai bàn chân C. tím ngắt vì lạnh, M.A cúi xuống đi tất cho C. Một vài giờ nữa trôi qua, C. vẫn trong tình trạng “đấu tranh tư tưởng” là khai hay không khai. Có lẽ vì thế mà huyết áp của C. tăng đột ngột, bủn rủn tay chân. Điều tra viên vội gọi cho nhân viên y tế đến tiêm cho C., rồi anh kiên nhẫn chờ C. tỉnh. Khoảng một giờ sau thì C. tỉnh dậy, điều tra viên dùng khăn ấm lau chân, lau tay cho C., lại lấy tiền túi đi mua một bát phở nóng cho C. ăn. Có lẽ nghĩ không nên và cũng không thể che giấu tội ác của mình nữa, C. đã khai những dòng đầu tiên: “Tôi là Trần Chí C. Tôi đã giết chị N. để nhằm cướp tiền…”. Theo đó, do cờ bạc vay nợ nhiều, C. trở nên quẫn bách. Vốn trước kia C. được mai mối và từng có quan hệ qua lại với chị N., gần đây biết chị N. vừa thắng chứng khoán được mấy trăm triệu đồng, C. nảy lòng tham. Tối 7/2, C. đến nhà chị N. chơi. Thừa lúc chị sơ hở, hắn đã dùng búa sát hại chị, cướp 2 chiếc điện thoại cùng với tiền, sau đó chất chăn màn, quần áo vào đốt nhằm phi tang.
Như vậy là suốt từ 10 giờ sáng cho đến 19 giờ, tương đương hơn 500 phút đấu tranh căng thẳng, C. đã chịu khuất phục.
Dẫn giải đối tượng Trần Chí C. đến tòa án.
|