An Giang thể hiện tinh thần cầu thị, khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới
Kinhtedothi – Tỉnh An Giang vừa tổ chức thành công “Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Sự kiện được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” với sự có mặt của gần 300 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, những cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ…
Chủ trì hội thảo là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương. Thư ký hội thảo được điều động đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trên hàng ghế đại biểu còn có sự hiện diện của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.
Hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu như: PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; TS Trần Sĩ Chương - Chuyên gia kinh tế và Chiến lược phát triển Sr. Partner for Asia; TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch và kiến trúc; GS.TS Hồ Tú Bảo Thành viên Hội đồng Tư vấn quốc gia về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Tất cả cùng hướng về An Giang, dành trí tuệ, tâm huyết của mình đóng góp cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhà. Qua đó hoạch định những giải pháp chiến lược, giúp tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong bối cảnh sáp nhập, hội nhập, vươn mình bay lên trong kỷ nguyên mới.
Có thể nói, các tham luận đã đóng góp khá toàn diện những vấn đề cốt lõi về bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong nhiệm kỳ tới và xa hơn nữa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại hội thảo ngày 14/7. Ảnh Hồng Lĩnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội thảo bắt đầu bằng việc khơi dậy tâm thức về một dòng sông – đó là con kênh Vĩnh Tế dài gần 90 km, chạy dọc biên giới phía Tây Nam, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các bậc tiền bối không chỉ nghĩ đến chuyện khơi nước cho ruộng đồng, mà còn định hình không gian phát triển chiến lược: giữ đất biên cương, khai mở kinh tế và gắn kết giao thương. Bậc tiền bối không chỉ đào một con kênh, mà đào sâu tầm nhìn hàng trăm năm. Và Phó Chủ tịch Quốc hội nói về hiện tại, về tương lai: năm 2025, chúng ta đứng tại thời điểm giao mùa của lịch sử, của không gian hành chính mới, của sắp xếp, tổ chức bộ máy mới, giữa những xáo trộn, bất định toàn cầu, khi thời tiết diễn biến cực đoan, khi dòng Cửu Long không còn chảy theo cách cũ, khi nông nghiệp không còn là cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương. Chúng ta đang cùng nhau trả lời câu hỏi: “Chúng ta cần làm gì để tiếp nối bậc tiền nhân, dốc hết sức, cùng “đào” ra tương lai tươi đẹp cho An Giang?”. Con kênh đó, dòng chảy đó là logistics đường thủy nội địa, gắn với các cụm liên kết công - nông nghiệp; là tiềm năng du lịch sinh thái sông nước cần được đánh thức; là lễ hội, tôn giáo...
Từ tâm thức về dòng sông, Phó Chủ tịch Quốc hội nói về biển với câu hát dân ca Nam Bộ: “Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển”... và nói: kinh tế biển cần gắn kết chặt chẽ với ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển”. Kinh tế biển hiện thực hóa “Chiến lược tam ngư”: ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường. Kinh tế biển bắt đầu từ những giải pháp thiết thực cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU…
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải tri thức hóa nông dân. Thực hiện Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 – Phát triển nông nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và vai trò dẫn dắt của kinh tế tư nhân, của DN dẫn đầu. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần có đề án “Ấn tượng nông nghiệp An Giang” và những sản phẩm OCOP của người dân cần được trưng bày, giới thiệu tại APEC 2027 với bạn bè thế giới khi hội tụ về đặc khu Phú Quốc.

Theo dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030, Hà Tiên sẽ là Trung tân kinh tế biển- du lịch - thương mai. Ảnh Huỳnh Lãnh
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã “truyền lửa” cho tỉnh An Giang khi nói: quan điểm, mục tiêu phát triển phải đủ “máu lửa” để khẳng định, bộc lộ rõ tính khát vọng, trên cơ sở đó, xác định đúng các lựa chọn ưu tiên và các giải pháp khác thường.
“Tỉnh An Giang đang đứng trước bước ngoặt chiến lược. Không thay đổi là tụt hậu. Nhưng thay đổi nửa vời thì không đủ sức bật. Chỉ bằng cách đổi mới tư duy, kiên quyết cải cách thể chế, đầu tư vào con người và công nghệ, vận hành bộ máy hiệu quả và trong sạch, tỉnh mới có thể chuyển hóa được vị trí địa lý thành lợi thế phát triển, biến truyền thống thành động lực đổi mới và khẳng định vai trò là một trong những cực phát triển mới của đất nước” - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Tân cho biết: hội thảo rất chất lượng, nhiều tham luận rất hay, tâm đắc, sát với yêu cầu thực tiễn.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại hội thảo ngày 14/7. Ảnh Hồng Lĩnh
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải chia sẻ: các nhóm vấn đề như: định hướng phát triển của tỉnh, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược của tỉnh An Giang; định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; định hướng quy hoạch; để tỉnh phát triển nhanh, hài hòa và bền vững, đặc biệt phát triển Phú Quốc thành đặc khu tầm quốc tế; kinh tế biển, biên mậu và nội địa; các đột phá của An Giang trong giai đoạn mới; cơ chế vận hành chính quyền 2 cấp hiệu quả, hiện đại; thiết kế và vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp trên nền tảng số... đã được các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ giàu kinh nghiệm thực tiễn chia sẻ. Tỉnh An Giang xin chân thành cảm ơn và trân trọng lĩnh hội trên tinh thần cầu thị. Đây là những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu cho tỉnh, là nguồn tư liệu quan trọng, góp phần hoàn thiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Mục tiêu phát triển phải đủ “máu lửa” để khẳng định khát vọng bứt phá
Kinhtedothi - Đó là phát biểu của PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2026 - 2030, diễn ra ngày 14/7/2025.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang
Kinhtedothi – Sáng 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Nhiều đại biểu Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước đã về dự.

Phấn đấu năm 2030 GRDP bình quân đầu người tỉnh An Giang đạt 7.500 USD trở lên
Kinhtedothi – Tỉnh ủy An Giang vừa có Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong đó đề cập tới mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước và là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.