Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phấn đấu năm 2030 GRDP bình quân đầu người tỉnh An Giang đạt 7.500 USD trở lên

Kinhtedothi – Tỉnh ủy An Giang vừa có Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong đó đề cập tới  mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước và là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.

Thu ngân sách bình quân mỗi năm 35.000 tỷ đồng

Theo dự thảo báo cáo, mục tiêu chung đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành; vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biên mậu, đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục, y tế thuộc nhóm đầu cả nước; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại chủ động, rộng mở; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Một số chỉ tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 10% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 tiệm cận mức trên trung bình của cả nước, đạt từ 7.500 đô la Mỹ trở lên; thu ngân sách 5 năm 2026 - 2030 đạt 175.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 35.000 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 627.380 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 50%...

Đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia. Ảnh Hồng Lĩnh

Tập trung thực hiện ba lĩnh vực trọng điểm

Muốn đạt được mục tiêu phát triển, An Giang cần tập trung vào ba lĩnh vực trọng điểm: một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có đức, có tài, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hai là, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Tập trung các lĩnh vực kinh tế trọng tâm gồm: phát triển dịch vụ du lịch An Giang trở thành thương hiệu mạnh quốc gia và quốc tế. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp gắn với chế biến lương thực, thực phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế biển. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Ba là, phát triển văn hóa, con người An Giang đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của người dân.

Xây dựng 4 trụ cột phát triển và 5 vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, xây dựng và củng cố 4 trụ cột phát triển gồm:

Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân. Thu hút các DN tư nhân lớn vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh. Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tứ giác Long Xuyên và đặc khu Phú Quốc; hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của bộ máy; tăng cường hội nhập, hợp tác, liên kết vùng - quốc tế. Cụ thể, liên kết với Vương quốc Campuchia qua phát triển kinh tế cửa khẩu; Liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh và phát triển kinh tế biển ra biển tây với sự dẫn dắt của Phú Quốc – Rạch Giá – Hà Tiên.

Thúc đẩy phát triển Năm Vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: Rạch Giá là Trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế tổng hợp, kinh tế công nghiệp, kinh tế biển. Với vị trí chiến lược, nằm trên trục giao thông nối liền các tuyến huyết mạch như Lộ Tẻ – Rạch Sỏi và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Rạch Giá có điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ các lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ và kinh tế biển. Không chỉ là nơi tập trung các cơ quan hành chính, trung tâm giáo dục, y tế và dịch vụ chất lượng cao mà còn phát triển công nghiệp và logistics của tỉnh. Bên cạnh đó, với hệ thống cảng biển, bến tàu kết nối Phú Quốc, tiềm năng khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển dịch vụ hậu cần biển, Rạch Giá có điều kiện để đẩy mạnh kinh tế biển theo hướng hiện đại, bền vững.

Đặc khu Phú Quốc là kinh tế du lịch dịch vụ tổng hợp tầm quốc gia, quốc tế. Với vị trí chiến lược nằm gần các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, Phú Quốc có lợi thế lớn về giao thương, du lịch và kết nối quốc tế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ với sân bay quốc tế, cảng biển hiện đại và mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, Phú Quốc có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, bãi biển đẹp, rừng nguyên sinh… rất phù hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và vui chơi giải trí đẳng cấp cao.

Long Xuyên là khu vực kinh tế tổng hợp năng động, với thế mạnh nổi bật là công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với vai trò là đầu mối giao thương trong vùng Tứ giác Long Xuyên, Long Xuyên đang từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu lớn và hệ thống logistics ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, Long Xuyên có lợi thế về kết nối hạ tầng khi vừa nằm dọc theo các tuyến đường thủy quan trọng, vừa được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và khả năng tiếp cận sân bay quốc tế Cần Thơ.

Đặc khu Phú Quốc là khu kinh tế du lịch dịch vụ tổng hợp tầm quốc gia, quốc tế. Ảnh PV

Châu Đốc là Trung tâm du lịch và kinh tế biên mậu. Với hệ thống sông ngòi – kênh rạch dày đặc cùng di sản văn hóa đặc sắc, Châu Đốc là trung tâm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Đặc biệt, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với cảng biển Trần Đề sẽ mở rộng đáng kể không gian giao thương, giúp giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Châu Đốc ra biển và đến các trung tâm kinh tế lớn.

Hà Tiên sẽ trở thành Trung tâm kinh tế biển – du lịch – thương mại biên giới. Hà Tiên có tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế biển – du lịch – thương mại biên giới quan trọng của vùng Tây Nam Bộ, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế. Với vị trí địa lý chiến lược, giáp Vương quốc Campuchia và gần các tuyến hàng hải quốc tế, Hà Tiên đóng vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ thương mại biên mậu, logistics.

Đưa An Giang phát triển đột phá, thực chất và bền vững

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nói trên cũng đưa ra các khâu đột phá. Theo đó, thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; chú trọng phát triển du lịch biển, trọng tâm là đặc khu Phú Quốc với cơ chế đặc thù, vượt trội, trở thành đầu tàu, lan tỏa phát triển sang các vùng và các lĩnh vực khác; chú trọng phát triển các đô thị biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cho phát triển kinh tế biển như hạ tầng giao thông, cảng biển; thúc đẩy phát triển nuôi biển.

Thứ hai, hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng. Trong đó, hoàn thiện các cao tốc nội tỉnh và liên vùng; nâng cấp các sân bay để đáp ứng yêu cầu mới, nhất là sân bay Phú Quốc và phát triển các cảng biển và cảng sông đa năng, phục vụ logistics, xuất nhập khẩu và du lịch.

Thứ ba là đột phá ứng dụng khoa học công nghệ, chính quyền số và kinh tế số. Thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh gắn với mô hình “tỉnh đa trung tâm” và chính quyền số.

Ba đột phá cần được dẫn dắt bởi bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, thực hiện tốt nhiệm vụ, có quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận và đoàn kết toàn hệ thống nhằm đưa An Giang phát triển đột phá, thực chất và bền vững.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Hợp tác xã loay hoay tìm lối ra

Điện Biên: Hợp tác xã loay hoay tìm lối ra

14 Jul, 05:16 PM

Kinhtedothi - Dù được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế nông thôn, nhiều hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Điện Biên vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả, khó cạnh tranh và chưa phát huy vai trò trong nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên.

Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang từ một hội thảo khoa học

Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang từ một hội thảo khoa học

14 Jul, 02:08 PM

Kinhtedothi – Tại Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030” sáng 14/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã tới dự và có bài phát biểu góp ý về định hướng phát triển nông nghiệp An Giang.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ