Mục tiêu phát triển phải đủ “máu lửa” để khẳng định khát vọng bứt phá
Kinhtedothi - Đó là phát biểu của PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2026 - 2030, diễn ra ngày 14/7/2025.
Cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu là đòi hỏi bắt buộc
Mở đầu bài phát biểu tham luận, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: giai đoạn hiện nay và dự báo 2026 - 2030 diễn ra trong bối cảnh phát triển thế giới và thời đại hoàn toàn mới, khác căn bản với các giai đoạn đã qua về xu hướng và tính chất. Đây là giai đoạn chuyển đổi kép “xanh” và “số” trên phạm vi toàn cầu chưa từng có trước đây, với những cơ hội và thách thức mang tính lịch sử thời đại. Đây cũng là giai đoạn phát triển với tốc độ cực kỳ cao, tính bất thường, kéo theo sự bất ổn khó lường.
Riêng đối với Việt Nam - nền kinh tế “đi sau”, thực lực chưa mạnh, hai quá trình chuyển đổi trên còn tích hợp với một quá trình chuyển đổi mà nhiều nước trên thế giới đã trải qua, chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nhiệm vụ đặt ra cho Việt Nam, vì thế, phức tạp và khó khăn gấp bội. Cơ hội và thách thức là khác thường, hiếm thấy, mang tính lịch sử - thời đại và tầm thế giới.
Với những thách thức lớn và cơ hội như vậy, giai đoạn phát triển tới đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ tư duy chiến lược, tầm nhìn, cách tiếp cận phát triển; phải có những năng lực (lực lượng sản xuất) mới để vượt qua.
Đòi hỏi này được phản ánh rất rõ trong những thay đổi tư tưởng, đường lối và chiến lược phát triển của Đảng ta trong mấy năm gần đây; đặc biệt, gần đây nhất, được thể hiện trong nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội XIV.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh Hồng Lĩnh
Cụ thể hóa cách tiếp cận đó vào điều kiện cụ thể của tỉnh An Giang, trước hết, cần nhận diện rõ bối cảnh và tình thế phát triển, từ đó, xác định xu hướng và mức độ tác động của bối cảnh đó đến triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, môi trường quốc tế hiện đang biến động sâu sắc với nhiều yếu tố bất định: quá trình chuyển sang công nghệ cao, xu thế tốc độ cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các khu vực phát triển; xu thế suy giảm tăng trưởng toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng năng lượng và tác động tiêu cực mạnh mẽ của biến đổi khí hậu...
Trong môi trường bất thường, bất ổn, bất trắc... trở thành những đặc điểm chi phối, có tác động mạnh đến các nền kinh tế đi sau, đến các chủ thể trình độ phát triển chưa cao, thực lực chưa mạnh. Tình thế này chứa đựng hai hàm ý:
Việt Nam đang là “điểm sáng”, là tọa độ “bình yên” trong một thế giới đầy rủi ro và bất ổn, là đối tác đáng tin cậy. Đây là một lợi thế lớn, mở ra cơ hội hiếm có để đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác phát triển, đặc biệt trên phương diện quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang cần làm rõ và phải có đường lối tích cực chuẩn bị các điều kiện để tận dụng tối đa cơ hội này.
Trong bối cảnh nói trên, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số, là yêu cầu sống còn đặt ra cho mỗi địa phương. Đối với An Giang, là tỉnh có mức độ “thuần nông” cao, đòi hỏi thách thức càng gấp bội.
Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh phải thể hiện rõ nhận thức: cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với An Giang là đòi hỏi bắt buộc ngay và luôn và mang tính sống còn, đòi hỏi An Giang, mỗi chủ thể kinh tế của tỉnh phải có một chiến lược “tự cường có chọn lọc” - tức là chiến lược xây dựng năng lực nội sinh vững mạnh, dựa vào lợi thế, đặc biệt là các lợi thế động và mang tính tích hợp, cộng hưởng của tỉnh mới, đồng thời mở rộng liên kết vùng, quốc gia và quốc tế một cách chủ động và hiệu quả.
Thứ hai, đất nước vào thế, vào nhịp phát triển mới, thay đổi căn bản tầm nhìn, cách tiếp cận, với những động lực và mô hình tăng trưởng, phát triển mới. Xu thế này tạo ra một tâm thế phát triển mới đặc biệt tích cực cho cả dân tộc; biến tình thế phát triển hiện nay trở thành một cơ hội lịch sử “ngàn năm có một”, không được phép lãng phí, bỏ qua.
Quan điểm, mục tiêu phát triển phải đủ “máu lửa”
Để vượt qua thách thức, hiện thực hóa được cơ hội đó, việc tiếp tục logic phát triển truyền thống, tiếp tục dựa vào “tận khai” những nguồn lực vốn có và động lực cũ là không đủ và không thể. Vì vậy, An Giang cần những năng lực, động lực phát triển mới và khác.
Với cách tiếp cận đó, “tứ trụ nghị quyết” - “tứ trụ chiến lược” mà Bộ Chính trị vừa ban hành phải được coi là khung khổ định hình tư duy phát triển, xác lập các ưu tiên chiến lược quan trọng nhất mà An Giang sẽ giải quyết trong giai đoạn tới.
Thứ ba, việc cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã) từ ngày 1/7/2025 là một bước chuyển thể chế lớn, tuy nhiên, vấn đề không còn là “thí điểm” mà là vận hành hiệu quả ở tất cả các địa bàn.
Thứ tư, sau khi cả nước sắp xếp lại đơn vị hành chính từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 tỉnh, thành, nhiều tỉnh mới hình thành có quy mô và năng lực cạnh tranh vượt trội. Trong không gian phát triển đầy tính đua tranh - cạnh tranh quyết liệt đó, An Giang sẽ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào tài nguyên và các nguồn lực vật thể truyền thống (vẫn chưa khai thác hiệu quả) sang dựa vào thể chế linh hoạt, công nghệ cao và nhân lực chất lượng.
PGS.TS Trần Đình Thiên góp ý với An Giang: nên thiết kế Báo cáo chính trị ngắn lại, gọn và súc tích, đi thẳng vào các luận điểm “thực chiến”, theo cách của Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng XIV (toàn quốc). Cần nhận định sâu, thực chất và khách quan trên quan điểm cạnh tranh - thực lực - thế - đà phát triển của An Giang đã được tạo lập trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra các vấn đề đang tồn đọng, trong sự so sánh với năng lực An Giang phải có để đạt các mục tiêu cực kỳ thách thức đặt ra cho giai đoạn tới.
Nhận diện lại tổng quát tiềm năng, lợi thế và cả bất lợi thế phát triển của An Giang mới và xác định các điều kiện chuyển hóa lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh.
Quan điểm, mục tiêu phát triển phải đủ “máu lửa” để khẳng định, bộc lộ rõ tính khát vọng, trên cơ sở đó, xác định đúng các lựa chọn ưu tiên và các giải pháp khác thường.

Mục tiêu đến năm 2030 An Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia (ảnh: đường điện cao thế từ đất liền ra đảo Phú Quốc). Ảnh Hồng Lĩnh
Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trách nhiệm và trong sạch
Về các đột phá chiến lược, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng tỉnh cần đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW. Theo đó tỉnh cần xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo gắn với các trường đại học, DN công nghệ và viện nghiên cứu; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong nông nghiệp, du lịch, quản lý đất đai và dịch vụ công; hình thành các cụm sáng tạo liên phường/xã ở vùng đô thị và nông thôn, tăng cường liên kết đổi mới từ cơ sở; đến năm 2030, kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP, và hình thành 1.000 DN đổi mới sáng tạo.
Cần cải cách thể chế và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW. Theo đó, thiết lập cơ chế phản biện chính sách và giám sát thực thi ngay từ cấp xã, bảo đảm mọi chính sách đến được với người dân và DN; triển khai mô hình Trung tâm phân tích chính sách và pháp chế địa phương, giúp thẩm định, rà soát, đánh giá tác động và theo dõi hiệu quả thực thi; đặc biệt, cần xác định rõ: vấn đề cốt tử hiện nay của tỉnh là chất lượng bộ máy hành chính công vụ còn yếu, cả về năng lực lẫn đạo đức công vụ; phải có chương trình tổng thể xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm và trong sạch, gắn với cải cách tuyển dụng, đánh giá hiệu quả công tác dựa trên kpis, chế độ đãi ngộ và cơ chế kỷ luật nghiêm minh; xây dựng môi trường thực thi pháp luật minh bạch, kỷ cương và phục vụ, thay vì hành chính hóa và lạm quyền.
Chú trọng phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Tỉnh cần ban hành Chiến lược phát triển DN Việt của An Giang, ưu tiên khuyến khích phát triển các DN “đầu chuỗi”, có tầm nhìn, năng lực cạnh tranh, trách nhiệm xã hội và dẫn dắt; mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, công nghệ, mặt bằng và thủ tục hành chính theo mô hình “một điểm dừng”; quy hoạch và vận hành hiệu quả các khu công nghiệp xanh, thông minh, ưu tiên DN tư nhân công nghệ cao và xuất khẩu; bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của DN tư nhân theo đúng tinh thần hiến định và cam kết quốc tế.
Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 67-NQ/TW. Theo đó, thiết lập hành lang kinh tế - logistics Việt - CPC - ASEAN, gắn với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay và các tuyến cao tốc đi qua tỉnh; có thể chế vượt trội cho các đặc khu và tầm phát triển vượt trội cho Phú Quốc đua tranh toàn cầu đẳng cấp cao nhất; có chiến lược phát triển nhân lực đặc biệt: nguồn nhân lực chất lượng cao nhảy vọt - trí tuệ sáng tạo của con người và trí tuệ nhân tạo; xây dựng bản sắc hội nhập quốc gia cho Phú Quốc: giữ gìn, phát huy cốt lõi truyền thống Nam Bộ với hội tụ tinh hoa văn hóa Việt và mở rộng và tiếp nhận tinh hoa toàn cầu.
Văn kiện cần xác định rõ: phát triển hệ thống khu công nghiệp hiện đại, xanh, công nghệ cao là một đột phá chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện hạ tầng, quan hệ quốc tế và năng lực của tỉnh. Trong đó cần: khuyến khích DN tư nhân lớn trong nước tham gia đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ logistics, công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp; kết nối các khu công nghiệp với đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành chuỗi giá trị công nghiệp khép kín, gắn với đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, năng lượng, môi trường và đô thị xung quanh các khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững và có chiều sâu.
"Tỉnh An Giang đang đứng trước bước ngoặt chiến lược. Không thay đổi là tụt hậu. Nhưng thay đổi nửa vời thì không đủ sức bật. Chỉ bằng cách đổi mới tư duy, kiên quyết cải cách thể chế, đầu tư vào con người và công nghệ, vận hành bộ máy hiệu quả và trong sạch, tỉnh mới có thể chuyển hóa được vị trí địa lý thành lợi thế phát triển, biến truyền thống thành động lực đổi mới và khẳng định vai trò là một trong những cực phát triển mới của đất nước"- PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang từ một hội thảo khoa học
Kinhtedothi – Tại Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030” sáng 14/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã tới dự và có bài phát biểu góp ý về định hướng phát triển nông nghiệp An Giang.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang
Kinhtedothi – Sáng 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Nhiều đại biểu Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước đã về dự.

Phấn đấu năm 2030 GRDP bình quân đầu người tỉnh An Giang đạt 7.500 USD trở lên
Kinhtedothi – Tỉnh ủy An Giang vừa có Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong đó đề cập tới mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước và là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.