Sống chậm thời dịch
Tinh sương, bà Phùng Thị Phát (85 tuổi, Thạch By 1) lại thong thả ra vườn tưới nước, chăm sóc mấy chậu cây. Bà Phát sống một mình, con cháu đều đã ở riêng. Dịch ùa đến, cuộc sống của bà Phát cũng không có nhiều thay đổi, chỉ là hầu như không ra ngoài, ít được gặp bà con lối xóm.
“Sống một mình chục năm nay thành quen, cũng y như cách ly thôi. Con cháu lâu lâu tới chơi lát rồi về. Bây giờ dịch bệnh thì ai sao tui vậy, đeo khẩu trang miết. Từ hồi bị phong tỏa tới giờ lấy xét nghiệm 4 lần rồi đó, vẫn bình thường. Thấy buồn thì ra vườn hoa bắt sâu, tưới nước, xong lại vô nhà nấu cơm, ăn no, coi ti vi rồi ngủ. Có gì đâu mà sợ”, bà Phát cười móm mém.
Thạch By 1 và Thạch By 2 là 2 tổ dân phố đông đúc, sầm uất vào dạng bậc nhất của phường Phổ Thạnh. Thế nhưng, dịch ập đến, cuộc sống sôi động thường nhật bỗng trở nên trầm lắng, chậm lại trong suốt 1 tháng qua. Phố phường vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng người qua.
Hàng ngày, bà Lê Thị Để (83 tuổi, Thạch By 2) mang khẩu trang, chống gậy ra đầu ngõ, thấy người nào đi ngang qua mà khẩu trang xệ xuống cằm là nhắc nhở: “Mang sai nguyên tắc rồi, sửa khẩu trang lại”. Đứng một hồi, bà Để lại túc tắc vào nhà. “Đang dịch mà đi đâu, phải ở nhà chứ!”, bà nói gọn bâng.
Bà Để sống cùng cháu gái, 2 bà cháu hàng ngày tự lo cơm nước, định kỳ lấy mẫu xét nghiệm. “Xét nghiệm mắc mớ gì sợ, Nhà nước làm cho mau hết dịch mà, bà đi xét nghiệm 4 lần rồi đó. Lần đầu tiên còn hỏi mấy đứa kết quả xét nghiệm đâu, ghi rõ là bà không có mắc Covid để bà còn gọi điện, báo cho con cháu biết”, bà Để cười.
Mỗi lần xét nghiệm xong, có kết quả âm tính, bà Để lại thở phào nhẹ nhõm. Thỉnh thoảng, bà nói cháu gái bấm số để bà điện thoại nhắc nhở mấy đứa cháu trai đang đi biển ở tận Nha Trang, Quảng Bình... phải cẩn thận, vào bờ đừng đi quán xá chi, dễ mắc dịch Covid-19.
Cuối tháng 6, khi nghe thông báo địa phương mình ở bị cách ly xã hội, không ít người dân thị xã Đức Phổ hoang mang, nhất là những gia đình ở phường Phổ Thạnh có con cháu đi làm ăn xa. Những ngày đầu, khi số ca mắc tăng cao, người dân vùng tâm dịch đã lo lắng lại thêm “rối ruột” khi liên tục có những cuộc điện thoại thăm hỏi. Nhưng rồi được chính quyền vận động, giải thích, người dân dần ổn định cuộc sống, chấp hành quy định trong vùng phong tỏa để dịch sớm qua.
Lan tỏa tình thương
Từ 3 giờ sáng, đội thanh niên xung kích Phổ Châu rủ nhau ra ruộng, giúp 4 hộ dân ở thôn Vĩnh Tuy thu hoạch 13 sào dưa hấu với tổng sản lượng 15 tấn.
“Đây là những hộ dân phải đi cách ly nên em và các bạn thu hoạch giúp. Dù mệt nhưng ai cũng rất vui”, Nguyễn Thị Ngọc Viền (thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu) chia sẻ.
19 tuổi, Viền đang làm công nhân ở VSIP thì dịch bùng phát và bị “nhốt” lại nơi cư trú đã trong 1 tháng. “Thời gian đầu thì thấy không quen, nhưng bây giờ ổn rồi. Lúc rảnh rỗi, em lại tham gia các hoạt động cùng thanh niên trong xã, giúp đỡ bà con”, Viền cho biết.
Từ khi dịch bùng phát đến nay, đâu đâu trong xã Phổ Châu đều có bóng dáng màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên, thanh niên. Những chuyến nhu yếu phẩm được tiếp tế cho người dân vừa “cập bến” ở chốt kiểm soát, ngay lập tức đã được tình nguyện viên tiếp nhận và huy động các phương tiện sẵn có tại địa phương đến trung chuyển, đưa vào bên trong khu phong tỏa, cách để hỗ trợ cho bà con.
Ngoài tiếp tế nhu yếu phẩm, các “shipper áo xanh” còn đi đến các nhà, ai cần mua gì chỉ ghi vào tờ giấy bỏ trước, tình nguyện viên sẽ đến lấy, chuyển cho những người làm nhiệm vụ bên ngoài xã mua giúp, sau đó nhận hàng chuyển đến tận nơi.
Tại phường Phổ Thạnh, dân quân cũng không ngơi vận chuyển nhu yếu phẩm từ bên ngoài vào các khu dân cư bị phong tỏa. Ngoài ra, lực lượng này còn đảm nhận nhiều phần việc như: Giúp người dân vận chuyển muối vào kho bảo quản, hỗ trợ mua lương thực, thực phẩm, thuốc men...
Tiếp sức cho vùng tâm dịch, người dân trong tỉnh Quảng Ngãi cũng luôn kề vai sát cánh, chia sẻ với chính quyền và bà con Phổ Châu, Phổ Thạnh. Các mạnh thường quân thường xuyên vận chuyển nhu yếu phẩm đến các điểm chốt chặn. Hàng hóa được chia sẵn thành từng phần nhỏ, rồi tập kết tại điểm chốt nhờ lực lượng hỗ trợ chuyển đến người dân, ưu tiên người già neo đơn, gia đình chính sách, hộ khó khăn...
“Sự hỗ trợ, sẻ chia và động viên này đã tiếp thêm động lực để chính quyền và người dân vượt qua khó khăn, yên tâm chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch, góp phần sớm đẩy lùi dịch Covid-19”, ông Nguyễn Văn Lượng - Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho biết.
Vẫn còn những âu lo
1 tháng trôi qua (26/7- 27/7), dịch Covid-19 ở Phổ Thạnh và Phổ Châu đã tạm yên. Dẫu vậy, nguy cơ vẫn còn hiện hữu.
“Dù không còn nhiều như lúc đầu nhưng rải rác vẫn còn ca mắc. Cách đây khoảng 1 tuần, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thì phát hiện có 8 mẫu gộp dương tính, phải xét nghiệm PCR để khẳng định. Vùng Thạch By 2 đông dân, hơn 4.200 khẩu nên khi có ca bệnh rất dễ lây lan. Chưa kể, vẫn còn một số bà con chủ quan, chưa chấp hành nghiêm quy định”, ông Lê Thanh Phong- tổ trưởng tổ dân phố Thạch By 2 âu lo.
Đúng như lo lắng của ông Phong, số mẫu gộp này qua xét nghiệm khẳng định có 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Nhờ phát hiện sớm, những trường hợp liên quan các ca bệnh này được đưa đi cách ly tập trung.
Theo nhận định của ngành Y tế, khu vực tâm dịch ở thị xã Đức Phổ có dân số đông mất độ dân cư cao nên khả nặng vẫn còn ca bệnh. Hơn nữa, chủng này lây nhiểm nhanh nên theo Bộ y tế, để giải quyết đợt dịch lần này phải mất 2-3 tháng.
Theo ông Nguyễn Kiên- Bí thư thị ủy Đức Phổ, hiện dịch đã cơ bản được khống chế, ở xã Phổ Châu khá ổn định, phường Phổ Thạnh vẫn còn ca mắc. Do vậy, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn tiếp diễn.
“Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, cùng với sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, hảo tâm chính quyền luôn quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho bà con vùng phong tỏa. Tại phường Phổ Thạnh, chính quyền cũng phối hợp tổ chức “quầy hàng 0 đồng” ở chợ Sa Huỳnh mới, bà con ai thiếu có thể tới nhận. Ngoài ra, thị xã cũng đã kiến nghị ngành chức năng ưu tiên vaccine ngừa Covid-19 cho vùng tâm dịch”, ông Kiên cho hay.