300.000 lao động tại các nhà máy thủy sản mất công ăn việc làm

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin được đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 17/9.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, trong 2 tháng qua (tính từ giữa tháng 7), các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Đây là khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước cũng như lực lượng lao động của ngành. Khó khăn và áp lực đứt gãy ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản từ Nam Trung Bộ vào đến ĐBSCL duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 10-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất (ngừng hoàn toàn, hoặc tạm ngừng để tổ chức lại nhà máy theo điều kiện “3 tại chỗ” để trình phương án). Các địa phương có số DN ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang…

Do vậy, ước tính 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm. Bên cạnh đó, có ít nhất số lượng lao động tương đương trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo như: ngư dân khai thác biển, nông dân nuôi cá/tôm, cung ứng bao bì, cung ứng vật tư, các dịch vụ hậu cần cảng/nghề cá…

Công suất sản xuất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-35% cho cả ngành chế biến thủy sản. Riêng ngành cá tra chỉ đạt chưa đến 20% công suất.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn. Giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25%.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, chỉ có 30-40% các DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục (trung bình để khôi phục được 50% công suất phải mất 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất mất 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất mất khoảng 1,5-2 năm).

Việc phục hồi sản xuất của DN đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, DN bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly…

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Giang Lam

Kiến nghị có nghị quyết riêng hỗ trợ ngành nông nghiệp

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh khó khăn trong nước, thị trường XK cũng gặp những trở ngại.

Một số thị trường, trong đó có Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng đông lạnh; xét nghiệm Covid đối với sản phẩm, bao bì nhập khẩu...; số lô hàng bị cảnh báo gia tăng.

Từ tháng 2/2020 đến nay, phía Trung Quốc chưa chấp thuận bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam theo đề nghị của Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng chưa chấp thuận bổ sung một số sản phẩm vào danh mục được phép XK vào Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều nước tăng cường kiểm tra các chỉ tiêu bệnh; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến. Một số nước áp dụng các chuẩn mực riêng. Một số thị trường còn cấm, hạn chế thủy sản Việt Nam như Ả-Rập-Xê-Út…

Theo NAFIQAD, sản xuất, chế biến trong nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng rất đa dạng về quy mô, loại hình, phương thức nên không thể có công thức chung, đáp án chung cho tất cả mà cần dựa trên những nguyên tắc chính thức, thống nhất, rõ ràng về phòng dịch, di chuyển của lao động để xây dựng phương án cụ thể cho từng DN, từng khu công nghiệp có sự thẩm định của địa phương.

NAFIQAD kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao trong Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cho phép xây dựng nghị quyết chính sách riêng hỗ trợ ngành nông nghiệp phục hồi sản xuất. Bao gồm các chính sách về hỗ trợ người lao động, thuế, phí, lãi suất, giãn nợ, giãn nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn, chi phí điện, nước cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông nghiệp.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản. Đến ngày 30/9, đảm bảo 100% lao động DN “3 tại chỗ”, DN XK được tiêm vaccine mũi 1.

Ưu tiên tiêm đủ 2 mũi cho 100% nhân sự hoạt động trong thu hoạch, chế biến nông lâm thủy sản. Cho phép và giảm các điều kiện xét nghiệm cho các đối tượng đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần