Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ: NN&PTNT, TN&MT, KH&CN, Ủy ban Dân tộc, đoàn công tác của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản, các nhà khoa học trong, ngoài nước, cùng đại diện 18 tỉnh, thành khu vực miền núi phía Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
Thông tin tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, trong vòng 20 năm qua, thiên tai xảy ra trên cả nước đã khiến tổng cộng 10.800 người bị chết và mất tích. Thiệt hại về tài sản ước tính trung bình mỗi năm lên tới 20.000 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến nay, hầu như năm nào miền núi phía Bắc cũng phải hứng chịu một đợt lũ quét, lũ ống gây sạt lở đất. Điển hình như năm 2005, lũ lớn xảy ra tại huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã khiến 64 người chết và mất tích. Hay gần đây nhất, vào đầu tháng 8/2017, trận lũ quét, lũ ống xảy ra tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La) đã khiến ít nhất 42 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 1.400 tỷ đồng…Đáng chú ý, theo kết quả đánh giá về nhà ở dân cư tại 18 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, hiện vẫn còn tới 36.165 hộ dân có chỗ ở chưa an toàn. Trong đó, 1.686 hộ thuộc diện cần được di dời khẩn cấp. Những năm qua, công tác di dân khỏi vùng có nguy cơ cao chịu tác động của thiên tai đã được triển khai tích cực. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ di dân vùng ảnh hưởng thiên tai cả nước mới đạt khoảng 44%.
Thực tế, công tác phòng chống thiên tai được Chính phủ, các bộ ngành T.Ư và địa phương đặc biệt quan tâm. Tính đến tháng 9/2017, đã có 79 trạm đo mưa chuyên dùng được xây dựng tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Bộ TN&MT đã xây dựng bản đồ cảnh báo trượt lở đất trên 17 tỉnh vùng núi phía Bắc. Từ năm 2000 đến nay, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai Chương trình khoa học công nghệ gắn bảo vệ môi trường với phòng chống thiên tai, theo từng giai đoạn 5 năm. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng hồ đập. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đo dạc, viễn thám và từng bước hoàn thiện bản đồ phân vùng lũ quét… Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đề nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng những tiến độ mới vào cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Cùng với làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, cần đẩy nhanh việc xây dựng những cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Đẩy nhanh công tác di dân, tái định cư gắn với tạo sinh kế bền vững. Cùng với đó là đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ban ngành xây dựng, triển khai Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc.