KTĐT - Ông Mario Raviglione còn nhấn mạnh 15 năm đầu tư thay đổi chiến lược điều trị bệnh lao phổi đã thành công với kết quả rất khả quan.
Giám đốc Cơ quan phòng chống lao phổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Mario Raviglione cho biết, chiến lược điều trị bệnh lao phổi đã cứu 36 triệu người trên thế giới khỏi bệnh.
Ông Mario Raviglione còn nhấn mạnh 15 năm đầu tư thay đổi chiến lược điều trị bệnh lao phổi đã thành công với kết quả rất khả quan.
Cùng với các chương trình chống lao phổi của các quốc gia, WHO, Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc, Quỹ toàn cầu và các đối tác khác đã giúp cứu chữa 8 triệu người trong 15 năm qua nhờ phác đồ điều trị mới DOTS.
DOTS được phát triển từ năm 1994 và WHO đã ứng dụng và phổ biến thành công phác đồ điều trị này như là thành phần chính của chiến lược chống lao phổi trên toàn cầu.
Kết quả mới nhất của WHO cũng cho thấy hiệu quả điều trị tốt của DOTS đối với 1,4 triệu người bệnh mắc đồng thời bệnh lao phổi và HIV/AIDS.
Tuy nhiên, WHO khẳng định tiến triển của phác đồ điều trị DOTS chưa đủ để đáp ứng mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh lao phổi. Năm 2008, khoảng 1,8 triệu người đã chết vì lao phổi trong đó nửa triệu người đồng thời mắc bệnh HIV/AIDS.
Lao phổi vẫn là bệnh gây số người chết lớn thứ 2 chỉ sau bệnh HIV/AIDS. Tổng Giám đốc WHO Margartet Chan nhấn mạnh ngăn chặn và xử lý các chủng vi trùng lao kháng thuốc là nhiệm vụ cấp bách của y tế toàn cầu.
Chỉ 3% trong tổng số ước tính 500.000 ca bệnh lao phổi hàng năm do các chủng vi trùng kháng thuốc trên thế giới được điều trị. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi chiếm tới 60% số ca bệnh vi trùng lao kháng thuốc này.
Bộ trưởng Y tế của 27 nước có số người bệnh lao phổi nhiều nhất đã thỏa thuận các biện pháp đẩy nhanh cuộc chiến chống lao phổi.
Ngoài cam kết tài trợ 15 tỷ USD cần thiết từ nay đến năm 2015, WHO kêu gọi cộng đồng thế giới đóng góp 2 tỷ USD còn thiếu để đáp ứng nhu cầu điều trị và kiểm soát bệnh lao phổi vào năm 2010./.