36 triệu người tử vong mỗi năm vì bệnh không truyền nhiễm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với thiệt hại về kinh tế nếu họ không chung tay đối phó với các bệnh không truyền nhiễm như ung thư và tiểu đường.

Hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các bệnh không truyền nhiễm hôm 19-20/9 là hội nghị cấp cao thứ 2 trong lịch sử của Liên hợp quốc tập trung giải quyết vấn đề y tế toàn cầu. Hội nghị trước đó diễn ra cách 10 năm nhằm đối phó với đại dịch AIDS.
 
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu tại hội nghị rằng các bệnh không truyền nhiễm đang đe dọa sự phát triển và tấn công các nước nghèo, khiến các nước này ngày càng trở nên khó khăn.
 
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các bệnh mãn tính cướp đi mạng sống của hơn 36 triệu người mỗi năm và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 47 tỉ USD trong vòng 20 năm tới. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số trường hợp tử vong có thể tăng lên 52 triệu người/năm.
 
Các quốc gia phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp trong việc lên kế hoạch hành động toàn cầu để chống lại bệnh tim, ung thư, tiểu đường, bệnh tâm thần và bệnh phổi - rất nhiều bệnh trong số đó có liên quan với chế độ ăn, hút thuốc lá, uống rượu và tập luyện.
 
Hôm 19/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố thừa nhận gánh nặng về kinh tế và xã hội do các bệnh mạn tính và đưa ra những khuyến nghị để giảm thiểu thiệt hại bao gồm tăng cường chế độ ăn lành mạnh, xây dựng môi trường làm việc không có khói thuốc lá, tăng cường các chương trình sàng lọc ung thư, cho trẻ bú mẹ trong vòng 6 tháng sau khi sinh và khuyết khích phối hợp để tìm ra các loại thuốc mới.
 
Mặc dù mọi người thường cho rằng bệnh không truyền nhiễm là bệnh của các nước giàu - do việc sử dụng các thực phẩm nhiều đường và nhiều chất béo, ít tập luyện, uống nhiều rượu và hút thuốc lá - song hiện nay bệnh không truyền nhiễm ảnh hưởng nhiều hơn ở các nước nghèo. Hơn 80% số trường hợp tử vong do bệnh không truyền nhiễm xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.