39 công việc ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đề xuất các công việc gác tàu, trông tàu, mang vác trên 50kg; mổ tử thi, mai táng người chết, ngâm nước thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối... ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Thông tư Ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con. Thông tư áp dụng đối với các DN, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động.
Theo đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất Danh mục 39 nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nữ, bao gồm: mò, vớt gỗ chìm, cánh kéo gỗ trong âu, triền đưa gỗ lên bờ; xuôi bè mảng trên sông có nhiều ghềnh thác; khai thác tổ yến (trừ rường hợp khai thác tổ yến trong các nhà nuôi yến), khai thác phân dơi; các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch)...
Cùng với đó là các công việc như gác tàu, trông tàu trong ấu, triền đà; lái xe lửa (trừ xe lửa có chế độ vận hành tự động hóa cao, các tàu chạy trong nội đô, tuyến du lịch); các công việc phải mang vác trên 50kg; mổ tử thi, mai táng người chết (trừ điện táng), bốc mồ mả; nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); công việc phải ngâm nước thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối (từ 4 giờ trong 1 ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần); tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ kín và nguồn phóng xạ hở... cũng thuộc Danh mục có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nữ.
Phụ nữ tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gien và ung thư, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản. Ảnh: Internet.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất danh mục 38 nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đối với lao động nữ trong thời gian có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đó là các công việc ở môi trường lao động bị ô nhiễm bởi điện tử trường nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động; tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gien và ung thư; ngâm tẩm da, muối da, bốc dỡ da sống; chế biến lông vũ trong điều kiện hở....
Lao động nữ trong thời gian có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mang vác nặng trên 20kg; tham gia trực tiếp vào các hoạt động điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch tại thực địa – nơi đang nghi ngờ hoặc ghi nhận có trường hợp mắc bệnh; xáo đảo xúc bùn ao nuôi cá; công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn...cũng có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản.
2 công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam được Bộ LĐTB&XH đề xuất, đó là: Thường xuyên (từ 4 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần) làm việc ở nơi có nhiệt độ không khí từ 40 độ C về mùa hè và từ 32 độ C trở lên về mùa đông.
Lao động nam làm công việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ kín và nguồn phóng xạ hở, làm việc và tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ trong các cơ sở hạt nhân, cơ sở chế biến quặng phóng xạ, cơ sở xử lý và quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, cơ sở khai thác quặng có các sản phẩm trung gian hoặc chất thải phóng xạ trên mức miễn trừ, tiếp xúc trực tiếp với dược chất phóng xạ tại các khoa y học hạt nhân hoặc các cơ sở y tế có sử dụng dược chất phóng xạ trong điều trị và khám chữa bệnh, cũng có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản.
Bộ LĐTB&XH yêu cầu người sử dụng lao động chỉ sử dụng lao động làm các công việc theo Danh mục, khi họ đã biết về quy định tại Thông tư này và đồng ý trước khi làm việc. Người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc  để người lao động lựa chọn và phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ theo quy định của pháp luật hiện hành khi sử dụng họ làm những công việc quy định tại Danh mục.
Sở LĐTB&XH các tỉnh, TP chủ trì, phối hợp với sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lao động.